icon

Tản mạn nhân sinh

BÀI 2 : PHẬT MẶC KỆ

Chúng ta tiếp tục chương trình Ai thông minh hơn học sinh lớp ba. Và xin kính chào các học sinh lớp một của tôi. Chào mừng các bạn bước vào lớp hai. Hôm nay người tỉnh thức sẽ bàn với các người chưa tỉnh thức về Ngũ Uẩn.

 

Đầu tiên, Phật Pháp không hề nói về người, không động tí nào luôn. Phật Pháp nói về Khổ. Giống như phương pháp xác định cấu trúc phân tử sinh học không hề nhắc tới các phân tử hay nguyên tử gì gì, mà đi xác định các điện tử. Các điện tử không phải các phân tử cần tìm, nhưng luôn bao quanh các phân tử, và thông qua mạng lưới điện tử sẽ xác định được các cấu trúc phân tử. Giống như vậy, Khổ không phải người nhưng thông qua Khổ, xử lý được vấn đề Người.


Một trong các nỗi Khổ là Ngũ ấm (uẩn) xí thạnh Khổ, tức cái Khổ của Ngũ Uẩn. Ngũ Uẩn là Sắc Thọ Tưởng Hành Thức. Con người chính là tập hợp của Ngũ Uẩn. Trong đó, Sắc là thể xác, Thọ là thụ cảm, Tưởng là trí tưởng tượng, Hành là tác ý và Thức là sự nhận ra.


Lấy ví dụ một người ngồi vẽ tranh. Thể xác người đó chính là Sắc. Sự nhìn vật thể bằng mắt chính là Thọ. Nhìn rồi thì tưởng tượng trong đầu đó là Tưởng. Tay vẽ là Hành. Và bức vẽ cuối cùng là Thức.


Con người bao gồm ngũ uẩn. Nói cách khác, nếu con người là một công ty thì công ty này có năm lao động. Mỗi lao động nhận một việc như trên. Đầy đủ cả năm mới tạo thành con người. Nếu chỉ có thể xác, thì cũng giống tảng đá vô tri. Phật pháp chia đối tượng con người làm năm phần để nghiên cứu cho tường tận.


Quay lại việc vẽ tranh. Từ một vật thể sau năm bước truyền tải đã thành một bức tranh. Và Phật Pháp chế giễu việc vẽ tranh này, vì sao, vì sai bét. Vật thể vẫn là vật thể, tranh là tranh. Mặt trời vẫn là mặt trời, nhưng nhận thức của con người là bức vẽ. Bức vẽ không truyền tải được toàn bộ mặt trời. Bức vẽ là những gì con người nhận thức về mặt trời. Phật pháp bảo là sai bét. Cái sai này chính là Khổ, và phải xử lý cái Khổ này cho triệt để.
Con người hít ngửi sờ soạng, tưởng tượng rồi tác ý rồi nhận thức gì gì đều là sai bét. Sai vì đó là chủ quan của con người, chứ không phải thực sự vật thể như vậy.


Những điều kinh điển viết là Thức. Cái tôi đang nói với bạn là Thức. Tri thức là Thức. Kiến thức là thức. Tất cả Thức này dù cao siêu đến đâu cũng chỉ là tiệm cận với sự vật hiện tượng khách quan. Thức là bức vẽ. Vẽ đẹp vẽ giỏi, tự trừu tượng để vẽ thật đúng thật hay, cuối cùng vẫn không mô tả được chính xác hiện thực. Tóm lại là sai toét. Ấy vậy mà con người vẫn tự hào với kiến thức, với tri thức, với các thể loại thức. Phật sổ toẹt, phán câu xanh rờn: chúng bay sai hết.


Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đây là quá trình học của con người: từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, rồi phân tích, rồi tổng hợp, rồi đánh giá. Các bước tiếp cận được dạy ra rả trong giáo dục. Chân lý thì ở đâu cũng đúng. Phương Tây muốn phác họa lộ trình học tập cuối cùng cũng gặp Phương Đông ở triết lý Ngũ Uẩn.


Và những cái thấy, những cái cảm, những cái tưởng này đều làm khổ con người. Càng vận hành công ty Ngũ Uẩn này thì càng sản xuất ra các sản phẩm sai lệch. Không cần nói nhiều thêm, Phật bảo: chúng bay dừng hết cho tao. Đóng cửa nhà máy Ngũ Uẩn. Không vận hành theo quy trình này nữa.


Tất cả hôn hít sờ soạng, sướng à, đau à, lạc ư, hỉ á, hoan ạ. Dẹp hết. Vì mấy cái phương pháp đo lường trắc định đó của tụi bay sai hết. Càng miên man, càng chìm đắm theo những cái đó đời chúng bay càng khổ. 


Cái Ngũ Uẩn là giả. Cái thân là giả. Thức ăn đi vào, bã thải đi ra, cơ thể không ngừng thay đổi, và chung quy là tập hợp vật chất của vũ trụ mà thôi. Cái tập hợp đó cũng không cố định mà thay đổi liên tục. Vậy cái gì là thân tôi mà nhận vơ Thân Thể tôi. Cái thấy của thân cũng giả luôn. Khi mắt thấy thì vật thể đã biến đổi. Mắt có nhìn là thấy quá khứ của vật thể đó. Ví dụ cực đoan, thì khi tay vẽ xuống con gà con, con gà đó trong thực tế đã thành gà già rồi. Rồi trong đầu là một tập hợp các định kiến các kinh nghiệm về gà. Mang định kiến với các con gà cũ áp lên con gà mới gặp, nên sai. Vì muốn lưu trữ hình ảnh con gà mà sai.


Trong hai câu thơ của Tô Đông Pha có Phật.


Nhạn đến hồ, hồ phản bóng. Nhạn bay qua, hồ không lưu bóng.
Gió thổi vào rừng trúc, trúc lao xao. Gió thổi qua rồi, trúc hết lao xao.


Mặt hồ chính là Phật. Rừng trúc chính là Phật. Vì mặt hồ không tích lũy ảnh chim nhạn. Vì rừng trúc không tích lũy gió.


Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc. Em chính là Phật luôn đó em. Vì em không tích lũy tình yêu.


Quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa tới. Hãy sống trọn từng khoảnh khắc trong giờ phút hiện tại. Hiện tại chính là Phật. Vì hiện tại không tích lũy quá khứ.


Cuộc đời tu đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có ngọc thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền


Đối cảnh không sinh tâm, chính là Phật. Khỏi phải thiền nữa. Như mặt hồ phản chiếu bóng nhạn, bay qua thì có ảnh. Mà qua rồi không lưu ảnh. Đó chính là đối cảnh vô tâm. Ngũ Uẩn là thân và tâm. Vô tâm là không còn ngũ uẩn. Nhạn chưa bay tới, mặt hồ không mong đợi. Nhạn bay qua rồi, mặt hồ không lưu luyến, không thương nhớ. Không có ngũ uẩn, nên không có tưởng, không có cảm gì hết. Mà đói thì phải ăn, mệt thì phải ngủ vì đó là lẽ tự nhiên. Không dùng tâm gò ép, a phải ăn kiêng giảm cân phát, a phải cố thức chờ em yêu phát. Dẹp hết.


Vậy Phật là gì ? Phật là không lưu trữ. Uẩn là lưu trữ, Uẩn là tích lũy. Tấm thân này lưu trữ trong cõi đời trăm năm kiếp người. Hình bóng em yêu phụ bạc lưu trữ trong tâm trí anh ba mươi năm. Nhật kí anh viết về em, bức họa anh vẽ em là anh muốn lưu trữ em ở mãi với anh với tâm với trí anh. Và thực ra là lưu em trong Ngũ Uẩn của anh. Đến khi anh giác ngộ, anh cho em bay luôn. Anh là Phật, anh không lưu trữ. Anh sống từng sát na, cái nào qua rồi thôi, cái nào chưa đến anh không cầu. Gương sáng bụi không mờ. Anh còn không có gương luôn em ơi.


Cho nên trong Bát Nhã Tâm Kinh, bộ kinh nhấn mạnh tính Không của Ngũ Uẩn. Bát Nhã Tâm Kinh muốn Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai Không. Sắc cũng là không mà không cũng là sắc. Giai Không là vô ngã. Cái tôi tạo bởi ngũ uẩn là cái tôi giả lập bởi Tâm.


Vậy nhìn một cô gái xinh thì cô ta hiện hữu hay không hiện hữu. Có hiện hữu chứ. Nhưng vấn đề là anh không thấy em xinh, em hiểu không. Anh là Phật rồi. Anh không có năm túi Ngũ Uẩn nữa. Anh không cảm nhận em, anh không lưu trữ em, anh không đánh giá em. Tóm lại là anh kệ em. Phật là gì ? Phật là mặc kệ. Mặc kệ cả ta luôn thì chính là vô ngã.
Thôi bây giờ biết rằng, hệ thống Ngũ Uẩn là sai lạc. Ngũ Uẩn là gì, là bản năng nhận biết của con người. Và cái bản năng đó là sai. Bản năng phân tích nhận biết đó dẫn tới khổ đau. Bản năng đó sinh Tâm và không thể mặc kệ được vạn vật. Bản năng đó phải được điều chỉnh bằng con đường Bát Chánh Đạo.


Cho nên thiền là sự có mặt ở thực tại. Cho nên sống không giận không hờn không oán trách, vì anh mặc kệ.

Kết quả hình ảnh cho đức phật