icon

Tản mạn nhân sinh

BÀI 3 : BÁT CHÁNH ĐẠO

Phật đã thành xin chào các vị Phật sắp thành. Hôm nay chương trình Ai thông minh hơn học sinh lớp ba sẽ bước vào lớp ba. Hiện nay, các bạn đã là Tỳ kheo, sau bài học này các bạn sẽ đắc quả A la hán.

Trước khi vào bài học chính là vài hàng Phi Lộ, giúp cho các vị Phật sắp thành rũ thoát cơn mê. 


Phi lộ thứ nhất. Khi một ai đó thuyết giáo với bạn, như là tôi đang làm đây này, bạn phải hiểu đó là Thức của họ đang khai mở Thức cho bạn. Có hay đến đâu, nghe có hợp lý đến đâu thì cũng vẫn là Thức, tức là Ngũ Uẩn. Ngũ Uẩn thì phải sai, chưa thể đúng. Nhưng cái Thức hay là cái Thức dẫn bạn gần đến sự Đúng nó mới bỏ bạn đi. Các bạn sướng lắm nha, Đức Phật dẫn bạn đến gần mỏ vàng, bỏ bạn ở đó, bạn chỉ cần quờ tay là trúng vàng luôn à. Cho nên các Pháp đều là giả bạn nhé, nó chỉ là ngón tay chỉ bạn tới mặt trăng thôi, không phải mặt trăng. Kể cả Pháp của Phật cũng chỉ tiệm cận tới chân lý bạn nhé. Vì sao, có phải vì Phật giấu ? Không phải, bởi vì chân Pháp là không lời. Lời vẫn thuộc Ngũ Uẩn. Thoát khỏi Ngũ Uẩn thì không thể nói hay viết hay kể được nữa. Chân Pháp là không lời.


Phi Lộ thứ hai. Khi một ai đó nói Tôi là Phật. Đó là câu nói sai. Vì đã có Tôi thì không có Phật. Đã là Phật thì không còn Tôi. Nói Tôi đã thành Phật thì đúng, vì sau khi thành Phật cái Tôi đó tan thành cát bụi rồi.


Phi Lộ thứ ba. Đã có Thân thì phải có Tâm. Có là có cả hai, không là không cả hai. Thân cộng gộp với Tâm thành Ngũ Uẩn, tùy theo cách phân chia Uẩn nào thuộc Thân và Uẩn nào thuộc Tâm. Cho nên Đức Phật khi chưa chết, ngài chỉ là Phật khi ngài ngồi thiền. Còn cứ xả thiền thì ngài là người. Người thì đi đái bình thường. Thiền là gì, thiền là tắt điện. Cơ thể như một căn phòng. Các suy nghĩ và hoạt động của thân tâm như TV smartphone như ánh đèn như điều hòa cho căn phòng. Khi tắt toàn bộ, và mở tất cả cửa ra thì gió mới lùa vào được, ánh trăng mới tới được đầu giường để thằng nằm trên giường ngẩng đầu nhìn trăng sáng và cúi đầu nhớ cố hương. Thiền là tắt điện cho tự nhiên ùa vào căn phòng.


Nay vào bài chính. Hôm nay nói về Bát Chánh Đạo, tám con đường diệt Khổ. Mục đích của Phật đề ra cho toàn bộ tập đoàn Phật Tử là diệt khổ. Xác định được Khổ, là diệt Khổ. Nếu các bạn hỏi Phật: Phật ơi, làm thế nào để cô người yêu của con xinh lên ? Ngài sẽ trả lời: Này Tỳ Kheo, ta có dạy ngươi cách làm Thân xinh lên không ? Ta chỉ dạy ngươi cách Diệt Khổ cơ mà. Bạn lại hỏi: nhưng sự xấu của cô ta làm con Khổ. Con xin hỏi Ngài, giữa một em xinh và xấu tính còn một em xấu mà tốt tính thì nên chọn em nào. Phật sẽ trả lời: Này Tỳ Kheo, ngươi nên chọn em xinh mà xấu tính. Người hỏi sẽ ngạc nhiên: hả vì sao ?


Đương nhiên, chọn em xinh mà xấu tính rồi. Vì sao ? Vì Phật Pháp sẽ sửa tâm tính cô ta thành tốt, bạn sẽ có một sản phẩm tốt cả gỗ lẫn nước sơn. Còn cô xấu người kia, Phật có sửa được đâu. Mà Phật không cần xinh, chúng ta cần xinh cơ mà. Vậy hãy áp dụng Phật Pháp một cách hợp lý.


Quay lại, Bát Chánh Đạo, con đường diệt khổ. Tám con đường này là một. Thông được một thì thông cả tám, mà tắc một là tắc hết. Tám con đường này chính là tám hướng, mà mệnh lý phương đông gọi là Bát Quái. Trung tâm của Bát Quái chính là Khổ. Bát Đạo quây tròn Khổ vào giữa và … diệt, không cho Khổ thoát khỏi đường nào. Trung tâm của Bát Quái là Khổ tức có Ngũ Uẩn trong đó, có cái Ta trong đó. Mục đích của Bát Chánh Đạo vây quanh là gì ? Là muốn chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không. Tám con đường này có khi Khổ có. Tám con đường này mất khi Khổ mất. Cũng như bạn nói tám hướng là tám hướng xung quanh trung tâm nào. Không có trung tâm thì lấy đâu ra tám hướng nữa.


1. Cái Chánh (Đúng) không cố định.


Ban đầu, tôi tự hỏi tại sao một người thông minh tuyệt đỉnh như tôi đọc và nghe Bát Chánh Đạo lại thấy rườm rà rắc rối. Tôi đọc cả đoạn văn bàn về Chánh Mệnh mà không rút ra được điều gì, không hiểu họ đang viết cái gì luôn. Họ giảng lan man mãi lan man mãi mà không nói được Chánh Mệnh là gì. Chánh là Đúng, còn Mệnh là gì ? Tiếng Anh dịch mệnh là livelihood tức cách sinh nhai. Có đúng không ? Còn Chánh Niệm là gì ? Niệm hay gặp trong từ Niệm Phật. Vậy Niệm khác gì Tụng, khác gì Ngữ ? Ngữ khác gì Ngôn ? Để nói với các Tỳ Kheo rằng, Pháp càng bàn càng loạn Pháp, càng xa rời gốc. Nếu chúng ta cứ đi theo họ, đọc bài của họ, nghe họ nói và tin họ, chẳng bao giờ ta tìm được Chân Pháp. Vì rất đơn giản, họ đang giảng cái ngọn. Họ bảo phải nhìn đúng, nghĩ đúng, nói đúng, làm đúng. Ai chẳng biết vậy, nhưng thế nào là Đúng. Phật Pháp hiện nay và ngàn xưa bế tắc ở chỗ này. Đúng là cái đúng chung chung, mỗi người hiểu một kiểu. Tôi bảo màu xanh đúng, họ bảo màu đỏ đúng, người khác lại bảo màu vàng đúng. Sau này, tôi mới hiểu cái Chánh này cái Đúng này không cố định. Mà cái Đúng này chính là tâm của Bát Quái, cái Chánh này hướng đúng vào tâm của bát quái tức hướng và Khổ của mỗi chúng ta. Chánh của bạn khác Chánh của tôi. Khổ của bạn khác Khổ của tôi. Tôi tìm và diệt Khổ của tôi, bạn tìm và diệt Khổ của bạn. Chánh là gì ? là đúng với mục tiêu.


2. Số tám là đầy đủ.


Một ngưỡng mộ nữa dành cho Phật pháp. Là khi thiên hạ nhăm nhăm xin tiền Phật rồi lạy rồi niệm, tôi lại chỉ băn khoăn sao lại là tám mà không phải bảy hay chín, sao lại là năm mà không phải bốn hay sáu. Vậy tám đã đủ chưa, có thừa hay thiếu không ? Nếu bạn hiểu thuật số nhị phân áp lên ba chiều không gian để sinh ra Bát Quái, bạn hiểu và bạn tự tin rằng Tám là đủ vì 2 mũ 3 bằng 8. Nói Bát Quái là bạn hiểu 7 quái sẽ thiếu và 9 quái thì thừa. Vòng bát quái bạn vẽ ra thấy tám quái rời rạc và giữa tám quái có các khe hở. Để tôi nói cho bạn một bí mật kinh hoàng của vũ trụ: giữa tám quái không có khe hở đâu, nó kín mít và ôm trọn vũ trụ này đó, không rơi vào quái này thì rơi vào quái kia. Và Bát Chánh Đạo là đầy đủ, tám con đường là đầy đủ, này các Tỳ Kheo hãy cứ yên tâm đi trên tám con đường diệt khổ này nha, ta không giấu các người đường nào đâu. Và này các Tỳ Kheo, sau này không ai có thể đả phá được Đạo của ta đâu, vì Chân Đạo này tuy đơn giản nhưng rất đầy đủ vẹn toàn. Chính vì đầy đủ nên có hệ thống, chính vì có hệ thống nên người học vững tâm vì cái gì cũng sẽ được giải quyết. Chính vì đầy đủ nhưng đơn giản nhất, nên không bị loạn pháp vô thiên, mất thời gian lan man vô bổ. Đó là vì sao tôi ngưỡng mộ Phật pháp. Chính vì đầy đủ, nên sau này bạn thấy tất cả các pháp khác cũng đều từ đây mà ra. Bạn học một pháp mà thông vạn pháp.


3. Thứ tự trong Bát Chánh Đạo là uyển chuyển.


Bát Chánh Đạo đời thường hóa giáo lý bằng cách gán cho các Đạo tám cái tên. Gán tên cho đời dễ hiểu. Nhưng chính vì gán tên mà đời chấp mê thành ra bất ngộ. Bạn hãy hiểu rộng ra là tám Đạo hay tám Hướng này cùng có và cùng mất, cùng sinh và cùng diệt. Bát Quái bạn và tôi vừa bàn đó là nói đến không gian, chưa nói đến thời gian.Lộ trình từ Chánh Kiến đến Chánh Định là lộ trình thời gian. Sau Định lại đến Kiến cứ thế mãi không ngừng. Đó là thứ tự chung nhất và hay gặp, còn thực sự bạn có thể bắt đầu từ bất cứ đường nào. Có thể đi ngược đi xuôi. Và khi thông một đường là thông cả tám, còn tắc một đường là tắc cả tám. Hãy hiểu thứ tự của bát chánh đạo một cách uyển chuyển nhé.


4. Bát Chánh Đạo là Bát Quái.


Chánh Kiến là Ly: Ly tượng trưng cho con mắt, cho cái nhìn. Nhưng khác với Khán là cái nhìn của mắt, tiếng Hoa hay nói: nỉ khán tức là bạn nhìn nè, hãy nhìn bằng mắt nè. Nhưng kiến là cái nhìn của toàn thân và tâm. Sau này từ chính kiến được dùng như là có quan điểm rõ ràng về một vấn đề nào đó. Bát Chánh Đạo bắt đầu giảng từ Chánh Kiến, hàm ý con người đầu tiên phải có cái nhìn đúng về vấn đề mình cần giải quyết. Tóm lại là xác định mục tiêu đã. Như Đức Phật nêu ra, mục tiêu đó là diệt Khổ. Đứa bé mở mắt.


Chánh tư duy (right intention) là Khảm: Khảm thủy chủ trí, sau khi nhìn thì phải suy nghĩ. Chánh Kiến rồi, phải Chánh tư duy, suy nghĩ cho đúng. Về Bát Quái thì hai đạo khởi đầu đang vẽ cho bạn một trục nam bắc. Quái Ly chủ phương nam và quái khảm chủ phương bắc. Cũng kì diệu là đạo Phật thờ ngọn lửa, sinh ở Ấn Độ nhưng nở hoa ở Trung Quốc. Ngược với đạo Thiên Chúa thờ nước. Lửa thì bốc lên cao còn nước thì dịu mát xuống thấp. Sẽ có bài sau này nói rõ hơn về Đạo Phật tương quan với Đạo Thiên Chúa như thế nào. Đứa bé biết nghĩ.


Xong trục Ly Khảm là trục nam bắc giờ đến trục Tây Đông. Tây Đông nhé, vì Đoài chính Tây được kể trước. 


Chính Ngữ là Đoài. Ngữ khác với Ngôn. Anh ngữ, Việt ngữ Pháp ngữ là ngữ. Hàm ngôn hiển ngôn ngụ ngôn là ngôn. Ngôn là lời, nhỏ hơn và bị bao trùm bởi ngữ. Ngữ là cả một hệ tiếng. Chính ngữ áp dụng lên cho người tu hành là nói cả một hệ tiếng đúng. Đúng với gì, đúng với mục tiêu diệt Khổ. Như tôi đang nói với các bạn đây là Chính Ngữ. Như người tu họ niệm Phật là Chính Ngữ. Chính Ngữ nhé, khi mọi lời mọi tiếng đều hướng về đúng mục đích đề ra: diệt Khổ. Chính Ngữ ứng với quái Đoài nằm ở phương Tây. Đứa bé biết nói.


Chính Nghiệp là Chấn. Đoài Chấn vẽ xong trục Tây Đông nhé. Bắt đầu ở phía Tây vẽ về Đông. Tây Du Kí làm bạn hiểu Tây. Tây Thiên, Tây Tạng đều là Tây so với Trung là Trung Hoa. Phật pháp truyền từ Tây thiên về Đông thổ Đại Đường. Bát Chánh Đạo ngày nay ta đọc mang đậm sắc màu Hán ngữ, đã được Hán hóa rất nhiều, đương nhiên giá trị trường tồn không thay đổi. Quái Chấn chủ về hành động và biên ra là Nghiệp tức Action. Tất cả hành động hướng về mục đích diệt Khổ là Chánh Nghiệp. Sau này bạn sẽ hiểu trong xã hội, Chánh Nghiệp đơn giản là người có nghề nghiệp. Đứa bé biết làm.


Chánh Mệnh là Càn. Từ mệnh là một từ khó hiểu, tiếng Anh dịch là kiếm kế sinh nhai, rồi họ giảng là không kiếm ăn bằng cách làm điều ác. Theo tôi, đó là cách giảng xa rời nguyên nghĩa của Phật Pháp. Đó là cách giảng vuốt đuôi theo cái họ cho là thế. Chánh Mệnh tôi dịch là Sứ Mệnh Đúng. Trong Bát Chánh Đạo thì bốn đạo đầu thiên về thực, và bốn đạo sau thiên về trừu tượng. Bốn đạo đầu thiên về nhìn rồi tư duy rồi nói rồi làm, đều là các hành động thực. Sau bốn hành động thực là đến giá trị vô hình. Chánh Mệnh là khởi đầu cho giá trị vô hình. Người đi Diệt Khổ xác lập được sứ mệnh của mình là Diệt Khổ. Trong xã hội, bạn sẽ hiểu Chánh Mệnh là người có chức quyền. Họ có sứ mệnh của vị trí đó. Vua là Chánh Mệnh đó bạn. Càn là vua. Càn là nguyên tố tinh khiết. Càn là sự khởi đầu mới mẻ. Chánh Mệnh là sự khởi đầu của giai đoạn thuận thiên. Con người khi đó sống thuận theo luật tự nhiên. Con người khi đó đã thoát khỏi cơm áo gạo tiền để vươn lên vì những điều cao đẹp, sự sự phồn vinh và tiến bộ của nhân loại. Đứa bé có sứ mệnh.


Chánh Tinh Tấn là Tốn. Càn ở tây bắc, đầu kia của trục đương nhiên là đông nam tức Tốn. Tốn là sự thuận lợi, tốn là gió, là sự tiến bộ. Sau khi tìm hiểu nghĩ suy nói và làm thì tôi xác định được sứ mệnh của mình và đi theo. Chánh Tinh Tấn là thuận theo sứ mệnh mình chọn mà theo, cứ thế tiến lên hướng về mục đích Diệt Khổ. Mình đã lập mệnh thì ngọn gió bay khắp muôn phương. Cứ có chỗ trống là bay vào. Bay vào rồi lại bay ra, nhịp nhàng nhịp nhàng. Trong xã hội, bạn sẽ hiểu Chánh Tinh Tấn là người có chức quyền và thi hành được ý chí chủ nghĩa của họ giúp nhân loại tiến bộ. Họ hơn người Chánh Mệnh ở chỗ là thi hành được cái sứ mệnh của họ, thi hành một cách thuận theo tự nhiên.

Người Chánh Mệnh đôi khi chỉ ngồi đó cho có. Thần Nông dạy dân trồng ngũ cốc là Thần Nông đang Chánh Tinh Tấn đó bạn. Đứa bé tung hoành.

 

Và trục cuối cùng là trục đông bắc tây nam.

 

Chánh Niệm là Cấn đông bắc. Niệm tiếng anh dịch là concentration tức sự tập trung. Tôi biên Niệm là ngừng lại. Sau khi lập sứ mệnh, thuận theo sứ mệnh. Mình bắt đầu tập hợp lại. Nếu Tinh Tấn là tỏa ra là lan rộng thì Niệm là lúc đang thu vào đang gọn lại. Niệm như mùa thu trong bốn mùa. Niệm là lúc đang sàng lọc để thu lấy tinh hoa. Nếu Tinh Tấn là đi gom cát của bốn biển, thì Niệm là lúc đãi cát tìm vàng. Nói đến Niệm là bạn hiểu đã gần sự Ngộ lắm rồi. Người thường có ăn học có suy nghĩ có trải nghiệm đều đạt tới mức Chánh Nghiệp. Nhưng để tới mức Chánh Niệm là các Tỳ Kheo, các vị sư đang tu tập hiện nay họ đang ở mức Chánh Niệm. Họ đang đãi cát tìm vàng, là loại bỏ tạp niệm. Quái Cấn là núi. An tĩnh và vững vàng như núi, đó là niệm. Các vị sư ngồi thiền như quả núi đang ngồi. Đó là niệm. Tụ lại như núi, để rồi sắp vụn ra làm muôn mảnh. Đứa bé đứng lại.
Cuối cùng là Chánh Định, quái Khôn phương tây nam.


Sau khi đãi cát thì tìm thấy vàng. Đó là Định. Quái Khôn là đại địa. Quái khôn là đất bằng rộng lớn. Nếu càn ít vạch nhất thì khôn lắm vạch nhất. Nếu càn là đơn nguyên thì khôn là đại chúng. Khôn là thiên hạ đại đồng. Khôn là cát bụi vô thường. Sau khi lọc sỏi đá, thì còn tất cả là bụi. Sỏi đá là chấp trước. Cát bụi là thoải mái. Sỏi đá ở một nơi, cát bụi bay khắp chốn. Đến Khôn là cái ngã đã hòa vào vạn vật. Ta là vạn vật mà vạn vật là ta. Núi có thể đổ nhưng mặt đất thì không bao giờ đổ. Quan thì nhất thời còn nhân dân là muôn đời. Chính vì khu trú ở vạn vật nên Định. Chỗ nào cũng có mặt, không còn chấp vào nơi nào. Về mặt xã hội, đến đây, con người đạt được chữ Khiêm. Sống hài hòa với vạn vật. Không thò lên cái gì, cho nên cũng không bị sụp đổ cái gì. Đứa bé an nghỉ.


Cho nên, trong hình tượng xã hội, người ở mức Kiến chính là trẻ em. Các bé đang ở trực quan sinh động. Cái Kiến của đứa trẻ với cái Kiến của người tu cầu giải thoát khác nhau ở chữ Chánh. Cái nhìn của người tu phải ban sơ và trong trẻo như trẻ em, nhưng có hướng tới mục tiêu cụ thể, mục tiêu diệt Khổ. Trong khi cái nhìn của trẻ em là vô hướng vô định.


Bát Chánh Đạo là chân lý, cho nên nó ẩn hiện trong mọi sự mọi lí lẽ của vũ trụ cũng như đời sống. Đi đâu cũng thấy màu sắc của Bát Chánh Đạo. Nó là tám bước phát triển của con người, nó là tám bước phát triển của xã hội. Nó là tám bước giải quyết một vấn đề, không cứ chỉ là vấn đề Diệt Khổ. Nó là tám bước học hỏi chân lý. Cũng như bát quái bao trùm vũ trụ. Đã là chân lý phải động tới Bát Chánh Đạo, vì sao bạn biết không ? Vì chân lý là đơn giản. Nếu cứ nương theo Bát Chánh Đạo mà tô vẽ thêm có cả ngày không hết chuyện. Mục đích chính của tôi là truyền tải cách nhìn vững chắc đơn giản mà hệ thống về Bát Chánh Đạo, xóa tan mọi tô vẽ huyền hoặc về chân lý diệt Khổ của Đức Phật. Nhưng cũng chỉ là Thức, bạn đừng tin vào Thức để rồi không Tỉnh. Bạn nương theo Thức mà tìm Tỉnh của chính mình. 

Chỉ còn một điều lưu ý. Đó là khi Tà Kiến khởi thì kết cục sẽ là Tà Định nhé. Và Phật Pháp dạy điều này trong Duyên Khởi, hay còn gọi là thập nhị Nhân Duyên.


Kết lộ, Bát Chánh Đạo là con đường của sự diệt khổ. Sau khi múa xong tám chưởng thì ép vụn khổ đau thành muôn mảnh. Và đến đây chúc mừng các Tỳ Kheo đã đạt quả A La Hán. Và chúc mừng các học sinh lớp hai đã học xong lớp ba. Bây giờ thì còn ai có thể thông minh hơn học sinh lớp ba ?

 

Kết quả hình ảnh cho bát chánh đạo