TRƯỜNG HỢP NÀO TÒA ÁN TRẢ LẠI ĐƠN KHỞI KIỆN TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ?

Theo Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Bộ luật TTDS) quy định những trường hợp sau thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện:

   1. Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự

   Căn cứ Điều 2 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, người khởi kiện không có quyền khởi kiện được hiểu là:

   - Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 186, Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

   - Yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân không cần xác minh, thu thập chứng cứ cũng đủ căn cứ kết luận là không có việc quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm hoặc cần bảo vệ.

   2. Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật

   Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.

   Ví dụ: Tranh chấp về xác định chủ sở hữu quyền sử dụng đất, cụ thể là tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện.

   3. Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.

   4. Hết thời hạn mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng.

   5. Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

   Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là trường hợp mà theo quy định của pháp luật thì các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác hoặc đang do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác giải quyết.

   6. Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 193 của Bộ luật này.

   7. Người khởi kiện rút đơn khởi kiện.

   Trên đây là những tư vấn và hướng dẫn của Luật sư Công ty Luật Hồng Đăng về các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện. Hy vọng những thông tin vừa rồi sẽ hữu ích cho Quý khách hàng và Bạn đọc đang quan tâm đến vấn đề này. Nếu còn vướng mắc vui lòng liên hệ Công ty Luật Hồng Đăng – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Số điện thoại: 02466 83 86 98 hoặc 091 339 1998.