Chị Mai Thị Quỳnh ở Hà Nội có hỏi: Thưa Luật sư, tôi là người khởi kiện ông Hòa (người cùng xóm) đến Tòa án huyện đề nghị trả lại quyền sử dụng đất tôi cho ông Hòa mượn cách đây 10 năm. Tòa án nhân dân huyện đã mở phiên tòa sơ thẩm với phán quyết không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của tôi. Nay tôi muốn kháng cáo bản án sơ thẩm thì thủ tục như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Hồng Đăng. Trường hợp của bạn Luật sư tư vấn như sau:
1. Người có quyền kháng cáo và thời hạn kháng cáo
Theo quy định tại Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Bộ luật TTDS), những người có quyền kháng cáo Bản án dân sự sơ thẩm gồm: “Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm…”.
2. Về thời hạn kháng cáo
Thời hạn kháng cáo vụ án dân sự được quy định tại Điều 273 Bộ luật TTDS như sau:
“1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
…
3. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.”
3. Về thủ tục kháng cáo
Khi thực hiện việc kháng cáo, người kháng cáo phải làm đơn kháng cáo theo quy định tại Điều 272 Bộ luật TTDS.
Mẫu đơn kháng cáo theo mẫu số 54-DS Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của Bộ luật này. Kèm theo đơn kháng cáo, người kháng cáo phải gửi tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp.
4. Thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án dân sự
Căn cứ Điều 270 và Điều 285 Bộ luật TTDS: Tòa án cấp phúc thẩm (Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án cấp sơ thẩm) có thẩm quyền xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
Như vậy, để kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm do Tòa án nhân dân huyện đã xét xử đối với vụ án của bạn thì cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về người có quyền kháng cáo, thời hạn, thủ tục kháng cáo như trên.
Trên đây là những hướng dẫn của Luật sư Công ty luật Hồng Đăng về quá trình kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm. Hy vọng những hướng dẫn này sẽ hữu ích cho quý khách hàng và bạn đọc đang quan tâm đến vấn đề này. Nếu còn vướng mắc vui lòng liên hệ Công ty Luật Hồng Đăng – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, SĐT: 02466838698 hoặc 091 339 1998.