Trình tự giải quyết vụ án dân sự.

Tố tụng dân sự là trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án giải quyết các vụ án hoặc việc dân sự tại Tòa án liên quan đến các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (gọi chung là vụ án dân sự).

 

I. THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TÒA ÁN

1. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thành phố (gọi chung Tòa án huyện)

Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành thì Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau:

a.Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 Bộ luật này;

b.Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;

c.Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.

2. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh

Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;

b) Yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 27, 29, 31 và 33 của Bộ luật này, trừ những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;

c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này.

Ngoài ra Tòa án nhân dân tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật này mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.

 

II. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ

1.Khởi kiện vụ án

Theo quy định tại các Điều 186, 187, 188, 189 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành về quyền khởi kiện vụ án thì:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy quyền khởi kiện vụ án dân sự thuộc về cơ quan, tổ chức, cá nhân khi cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm hại thì có quyền tự mình hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình để khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền yêu cầu Tòa án giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

2. Nhận đơn khởi kiện và thụ lý vụ án

Theo quy định tại Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành thì Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.

Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:

  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  • Thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết;
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác;
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.

 

3.Phiên họp kiểm tra giao nộp chứng cứ vàhòa giải

Theo quy định tại Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành phiên họp kiểm tra, giao nộp chứng cứ và hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định.

Trong trường hợp hòa giải thành thì hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận thì thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một thẩm phán được chánh án tòa án phân công ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi Quyết định đó cho các đương sự và viện kiểm sát cùng cấp. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được Tòa án ban hành. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Trong trường hợp hòa giải không thành, Thẩm phán chủ tọa phiên hòa giải lập biên bản hòa giải không thành và thực hiện các thủ tục tiếp theo để đưa vụ án ra xét xử.

4.Chuẩn bị xét xử

Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự, đối với các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình được quy định tại Điều 26 và Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự thường phức tạp. Vì vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ này là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý. Đối với những vụ án kinh doanh, thương mại và lao động được quy định tại Điều 30 và Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự là những vụ án phát sinh từ các quan hệ rất nhạy cảm, đòi hỏi phải giải quyết kịp thời. Vì vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ án này là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với các vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự và 01 tháng đối với vụ án kinh doanh, thương mại và lao động quy định tại Điều 30 và Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự.

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa để xét xử vụ án, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể được kéo dài 02 tháng.

5. Mở phiên tòa xét xử

Việc xét xử vụ án dân sự của Tòa án đã thụ lý vụ án được thực hiện theo quy định tại Điều 222 đến Điều 269 của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành.
 

Trên đây là những hướng dẫn của luật sư Công ty luật Hồng Đăng về quá trình giải quyết vụ án dân sự, hy vọng những nội dung này mang đến thông tin hữu ích cho quý khách hàng và bạn đọc. Nếu còn vướng mắc vui lòng liên hệ trực tiếp Công ty Luật Hồng Đăng, SĐT: 02466838698 hoặc 091 339 1998.

 

CÔNG TY LUẬT HỒNG ĐĂNG