Theo quy định về xét xử của tòa án, nguyên đơn, người đại diện của họ có thể vắng mặt, bị đơn, người đại diện của họ cũng có thể vắng mặt nhưng số lần vắng mặt phải tuân thủ theo quy định tại Điều 227 của BLTTDS năm 2015. Căn cứ vào lý do vắng mặt cũng như một số thủ tục khác mà Tòa quyết định hoãn phiên tòa hay đình chỉ phiên tòa hay xử vắng mặt. Dưới đây là các quy định của pháp luật về sự có mặt của đương sự tại phiên tòa.
1. Sự có mặt của đương sự tại phiên tòa khi tòa triệu tập lần thứ nhất:
Đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa. Nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, Tòa vẫn có thể tiến hành phiên tòa khi đương sự hoặc người đại diện của họ viết đơn đề nghị Tòa xét xử vắng mặt.
2. Sự có mặt của đương sự tại phiên tòa khi Tòa triệu tập lần thứ hai:
Đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa. Khi đương sự vắng mặt và vì lí do bất khả kháng thì Tòa xem xét hoãn phiên tòa. Nếu lý do vắng mặt không thuộc các trường hợp bất khả kháng thì sẽ giải quyết như sau:
- Nếu nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện. Khi đó Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn nếu muốn tiếp tục xử lý vụ án thì phải làm thủ tục khởi kiện lại từ đầu.
- Nếu bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ.
- Nếu bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
- Nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Đối với trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau:
- Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
- Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa.
- Các trường hợp vắng mặt khác được nêu trên, trừ trường hợp nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Trên đây là những hướng dẫn của Luật sư Công ty luật Hồng Đăng về vấn đề sự có mặt của đương sự tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự. Hy vọng những hướng dẫn này sẽ hữu ích cho quý khách hàng và bạn đọc đang quan tâm đến vấn đề này. Nếu còn vướng mắc vui lòng liên hệ Công ty Luật Hồng Đăng – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, SĐT: 02466838698 hoặc 091 339 1998.