Quy Chuẩn Xây Dựng Nhà Cao Tầng Đối Với Công Tác Phòng Cháy Chữa Cháy

 

Các chung cư cao tầng chất tải lên hệ thống hạ tầng hiện có gây quá tải hạ tầng đô thị với nhiều vấn đề nổi cộm đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy

Hiện nay, số lượng các khu đô thị hoặc các dự án riêng lẻ xây dựng nhà cao tầng ngày một tăng. Bên cạnh những ưu điểm vượt trội của nhà cao tầng, thì nhiều dự án nhà cao tầng xây chen lấn trong các khu dân cư cũ, hoặc nhóm các chung cư cao tầng chất tải lên hệ thống hạ tầng hiện có gây quá tải hạ tầng đô thị với nhiều vấn đề nổi cộm đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy. Vụ cháy điển hình tại chung cư Carina Plaza tại TP. Hồ Chí Minh ngày 23/3 vừa qua là một ví dụ.

Những định nghĩa quốc tế về xây dựng nhà cao tầng gắn với công tác phòng cháy chữa cháy

Trên thế giới nhà cao tầng hay công trình cao tầng luôn kết nối và song hành với công tác an toàn cứu hộ, cứu nạn và an toàn phòng cháy chữa cháy. Theo cuốn “High-Rise Security and Fire Life Safety” của tác giả Geoff Craighead, NXB Elsevier Inc (Mỹ) năm 2009 trên thế giới hiện nay chưa có thuật ngữ chính xác, tuy nhiên nhà cao tầng có thể được định nghĩa như sau:

Một tòa nhà mà chiều cao của nó có thể ảnh hưởng đến sự thoát nạn (Hội nghị quốc tế về các tòa nhà cao tầng).

Điểm phân chia công trình cao tầng thường là tầng 7, đôi khi xác định từ tầng 7 trở lên là nhà cao tầng, hoặc xác định bằng chiều cao tuyến tính (tính bằng feet hoặc metre).

Một công trình được coi là cao tầng khi chiều cao của nó cao hơn tầm với tối đa của thiết bị phòng cháy chữa cháy, khoảng 75 feet (23m) – và 100 feet (30m), hoặc trong khoảng 7 – 10 tầng (phụ thuộc vào khoảng cách giữa các sàn).

Nhà cao tầng trong tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam về xây dựng và phòng cháy chữa cháy

Tại Việt Nam, chưa có tài liệu phân loại chính thức và chính xác các công trình kiến trúc theo số tầng cao. Theo TCXDVN 323: 2004 “Nhà ở cao tầng – Tiêu chuẩn thiết kế” thì nhà ở cao tầng là loại nhà ở, căn hộ có chiều cao từ 9 – 40 tầng (trên 40 tầng thường gọi là nhà siêu cao tầng).

Đầu năm 2013, Bộ Xây dựng ra Quyết định 212 hủy bỏ 169 tiêu chuẩn xây dựng trong đó có TCXDVN 323:2004: “Nhà ở cao tầng – Tiêu chuẩn thiết kế”, chỉ giữ lại 20 tiêu chuẩn được cho là phù hợp trong giai đoạn hiện nay, đến nay vẫn chưa có tiêu chuẩn thay thế. QCVN 06:2010/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình là một bước tiến so với TCVN 2622:1995 – “Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình – Yêu cầu thiết kế”. Quy chuẩn xác định nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng có chiều cao lớn hơn 50m và 70m phải có giải pháp riêng được cơ quan phòng cháy chữa cháy thẩm định phê duyệt, nghĩa là chưa có trong quy chuẩn.

Những bất cập

Tầm với các thiết bị phòng cháy chữa cháy ở Việt Nam hiện nay cao nhất là 56m (khoảng 18 tầng), Hà Nội có 2 chiếc xe loại này. Đầu tư xe có tầm với vượt khoảng cách này là không khả thi vì xe rất nặng, có thể gây sập cống đứt dây điện, đường cua xe dài không thuận tiện với địa hình đường đông, ngõ nhỏ tại các đô thị của Việt Nam buộc phải sử dụng máy bay trực thăng mà do ngân sách hạn hẹp hiện nay Việt Nam chưa có.

Một số dự án quy hoạch xây dựng mới đây trong khu vực nội đô đã cho phép xây dựng lên cao tới tới 50 tầng và trên 50 tầng khi phê duyệt thiết kế quy hoạch đều đã chứng tỏ tuân theo tiêu chuẩn – quy chuẩn Việt Nam. Vậy có nên xem xét lại các quy chuẩn này hay không, khi công tác phòng cháy chữa cháy liên quan tới an toàn tính mạng và tài sản của người dân?

Nguồn: TS. LÝ VĂN VINH -VIỆN KIẾN TRÚC QUỐC GIA