Vợ chồng tôi ly hôn đã hơn một năm. Chúng tôi có một con chung hiện được 6 tuổi. Khi ly hôn, Tòa án giao con cho chồng tôi nuôi. Thời gian gần đây tôi đến thăm con thì thấy trên người cháu có nhiều vết bầm tím, người gầy gò, xanh xao, không muốn tiếp xúc với mọi người. Khi tôi hỏi thì cháu nói là bị bố đánh. Tôi đang rất lo lắng cho con. Tôi muốn hỏi, bố cháu có hành vi đánh đập con như vậy thì tôi có được quyền đưa cháu về nuôi không? Tôi cần làm gì để được nuôi con, thưa luật sư?
(Chị Trần Thị Hương – Quảng Ninh)
Công ty Luật Hồng Đăng xin gửi tới Chị Hương lời chào trân trọng. Cảm ơn Chị đã gửi thắc mắc của mình về cho chúng tôi. Về vấn đề của chị, Luật sư đưa ra quan điểm như sau:
Theo quy định tại Điều 69 của Luật hôn nhân và gia đình thì cha, mẹ có quyền và nghĩa vụ sau:
1) Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2) Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Theo thông tin mà chị cung cấp, chồng cũ của chị đã có hành vi hành hạ, đánh đập con khiến con bị bầm tím nhiều chỗ trên cơ thể. Thậm chí, cháu bé rơi vào tình trạng sợ hãi, không muốn tiếp xúc với mọi người. Đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, bố cháu đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con.
Căn cứ Điều 85, 86, 87 Luật hôn nhân và gia đình, trong trường hợp cha hoặc mẹ của con chưa thành niên có chứng cứ chứng minh người đang nuôi con có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc con thì có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên. Xét thấy có đủ căn cứ, chứng cứ Tòa án sẽ ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục, quản lý tài sản của con trong thời hạn từ 01 đến 05 năm. Người kia sẽ thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật.
Trong vụ việc của chị, khi có chứng cứ chứng minh bố cháu bé có hành vi đánh đập, hành hạ con thì chị có thể làm đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền hạn chế quyền của cha đối với con chưa thành niên. Lúc này, chị sẽ được xem xét để nuôi con khi đủ điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với con.
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ việc nếu chồng cũ tiếp tục có hành vi ngược đãi, hành hạ, đánh đập con thì chị cần tới các cơ quan chức năng như UBND, Công an trình báo và nhờ sự can thiệp, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho con mình.