1. Từ vụ ly hôn của “Vua cà phê” Trung Nguyên
Những ngày này dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến vụ án ly hôn nổi tiếng của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo là chủ Tập đoàn Trung Nguyên do Tòa án Nhân dân TP.Hồ Chí Minh xét xử công khai từ ngày 20/2/2019.Điểm mấu chốt gay gắt nhất dẫn đến không thể hòa giải giữa hai vợ chồng đó là việc chia cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên. Ông Vũ đòi chia 70% cổ phần; bà Thảo đòi 51% cổ phần. Cổ phần không chỉ có giá trị về mặt tài sản mà còn có giá trị đặc biệt về quyền biểu quyết, quyền điều hành phát triển Tập đoàn Trung Nguyên trong tương lai.
Chiều ngày 27/3, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã tuyên bản án sơ thẩm vụ ly hôn và tranh chấp tài sản giữa nguyên đơn là bà Thảo và bị đơn là ông Vũ (Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên).Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình hiện hành quy định nguyên tắc giải quyết chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn ghi rõ: “2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”.
Xét về công sức, HĐXX nhận thấy cần thiết chia cho ông Vũ nhiều hơn nhưng vẫn phải đảm bảo cho công sức bà Thảo. Do đó Tòa nhận định cần phải chia cho ông Vũ 60%, bà Thảo 40%.Tuy nhiên, nếu chia cổ phần cho cả hai sẽ gây khó khăn trong việc điều hành Trung Nguyên nên cần thiết giao cổ phần của bà Thảo cho ông Vũ quản lý theo Luật Hôn nhân Gia đình.
Hình ảnh mang tính chất minh họa
2. Cần phải làm gì để tránh khỏi cảnh “mất lái khi ly hôn”?
Đã từ lâu tại nhiều quốc gia, “hợp đồng tiền hôn nhân” thường được các tỷ phú, người nổi tiếng hay giới nhà giàu sử dụng nhằm bảo vệ tài sản trước những biến cố không lường trước khi ly hôn. Quy định của hợp đồng này khá rộng và đa dạng nhưng thường tập trung vào hai vấn đề chính là chia tài sản và tiền trợ cấp sau ly hôn. Trong cuốn “Nghĩ lớn để thành công” của Donald Trump - Tổng thống Mỹ đương nhiệm có viết một Chương: “Anh yêu em, hãy ký tên vào cái này em nhé!” đó chính là hợp đồng tiền hôn nhân. Trump viết: “Tôi đã chứng kiến rất nhiều người bị đẩy vào bước đường cùng chỉ vì không có một bản hợp đồng tiền hôn nhân.Đây không phải là chuyện bạn có tin tưởng vào người bạn đời hay không, mà đơn giản, nó giúp bạn tránh được các rắc rối về sau”.
“Hợp đồng tiền hôn nhân” có lẽ khá xa lạ và rất phản cảm trong văn hóa của người Việt Nam nhưng pháp luật Việt Nam thì đã khác. Luật hôn nhân gia đình năm 2014 lần đầu tiên cho phép vợ chồng được thỏa thuận về chế độ tài sản khi kết hôn. Điều 47 quy định về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng có ghi: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực”.Như vậy, các cặp vợ chồng hoàn toàn có thể bảo vệ tài sản, sự nghiệp kinh doanh của mình bằng cách thỏa thuận chế độ tài sản trước khi kết hôn hoặc thỏa thuận chia tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Còn đâu cái thời “một túp lều tranh hai trái tim vàng” mà giờ họ có hàng ngàn tỷ. Khi ly hôn với khối tài sản khổng lồ ấyphải làm sao?Với quy định tại Điều 38 Luật hôn nhân và gia đìnhhiện hành hoàn toàn có thể xử lý được bằng cách chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Điều luật quy định: “Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung. Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng”.
Vụ ly hôn của ông Vũ, bà Thảo gắn liền với sự thành bại của Tập Đoàn Trung Nguyên quả là một bài học đắt giá. Với quy định pháp luật hiện hành, các cặp vợ chồng Việt Nam hoàn toàn có thể vận dụng để bảo vệ tài sản, sự nghiệp kinh doanh của mình bằng cách thỏa thuận chế độ tài sản trước khi kết hôn hoặc thỏa thuận chia tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
3. Kết luận:
Vụ án ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo sẽ chả có gì để nói nếu nó không liên quan đến khối tài sản được coi là khổng lồ mà từ trước đến nay Tòa án của Việt Nam đã giải quyết. Càng không có gì để nói nếu hai ông bà bớt căng thẳng, bớt cái tôi của mình để tự dàn xếp, tự thỏa thuận với nhau trước, trong phiên tòa. Điều đáng nói và đọng lại để chúng ta nhớ nhất của vụ án này chính là việc các đương sự quá vì giá trị tài sản cũng như thương hiệu của Tập đoàn kinh tế có tầm cỡ tại Việt Nam mà họ quên hẳn giá trị đích thực của cuộc sống vợ chồng, tình cảm đầu ấp má kề bao nhiêu năm với nhau. Xét cho cùng việc tranh chấp tài sản hoặc chế độ tài sản của vợ chồng không rõ ràng, không minh bạch trước, trong hôn nhân thì khi giá trị tài sản đó càng lớn thì khả năng tranh chấp và bất hòa càng cao. Vì vậy yêu cầu thiết yếu đặt ra là ngoài những quy định tiến bộ của pháp luật, những cặp vợ chồng đã và sẽ kết hôn nên nhìn nhận vấn đề tài sản như một yếu tố sống còn của quan hệ hôn nhân và gia đình.
Những vướng mắc, những tồn tại có thể giải quyết sớm tránh làm ảnh hưởng và hư hại mối quan hệ vợ chồng vốn tốt đẹp từ ngàn năm của người Việt nam. Luật sư Công ty Luật Hồng Đăng luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn để quý khách hàng và bạn đọc tránh rơi vào những vụ việc như vụ án mà chúng tôi xin phép được viện dẫn ở trên.
Hy vọng những chia sẻ này sẽ hữu ích cho quý khách hàng và bạn đọc đang quan tâm đến chủ đề này. Nếu còn vướng mắc vui lòng liên hệ trực tiếp Công ty Luật Hồng Đăng, SĐT: 02466.83.86.98 hoặc 091 339 1998.