THỦ TỤC TUYÊN BỐ MỘT NGƯỜI MẤT NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ

1. Cơ sở pháp lý

- Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015.

- Khoản 1 Điều 27; Khoản 2 Điều 35; Điểm a Khoản 2 Điều 39; Chương XXIII, XXIV Bộ luật TTDS 2015.

2. Thẩm quyền giải quyết yêu cầu

Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thành phố (gọi chung là Tòa án huyện) nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.

3. Thành phần hồ sơ

- Đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự (Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự theo mẫu số 01 Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP (Thay thế mẫu số 92 Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP).

- Bản kết luận của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và các chứng cứ khác để chứng minh người bị yêu cầu bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Nếu không có kết luận của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, thì có thể yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định).                               

- Tài liệu, chứng cứ chứng minh người yêu cầu là người có quyền yêu cầu                

- Giấy khai sinh, CMND, căn cước công dân, hộ chiếu, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, của người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

- Tài liệu khác có liên quan.

hình ảnh mang tính chất minh họaHình ảnh mang tính chất minh họa

4. Trình tự, thủ tục

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự

Người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự.

Người có quyền nêu trên nộp đơn yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự có đầy đủ nội dung theo mẫu số 01 Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Kèm theo đơn yêu cầu phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu là có căn cứ, hợp pháp (như đã nêu ở thành phần hồ sơ).

Bước 2: Thụ lý đơn yêu cầu (Điều 363, 365 BLTTDS)

Trường hợp xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Tòa án phải:

- Thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí, trừ trường hợp người đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

- Tòa án thụ lý đơn yêu cầu khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự.

- Trường hợp người yêu cầu được miễn hoặc không phải nộp lệ phí thì Thẩm phán thụ lý việc dân sự kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu.

Bước 3: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu (Điều 366 BLTTDS)

Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu.

* Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án tiến hành công việc sau đây:

- Trường hợp xét thấy tài liệu, chứng cứ chưa đủ căn cứ để Tòa án giải quyết thì Tòa án yêu cầu đương sự bổ sung tài liệu, chứng cứ trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.

- Trường hợp đương sự có yêu cầu hoặc khi xét thấy cần thiết thì Thẩm phán ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ; triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản. Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa có kết quả giám định, định giá tài sản thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu được kéo dài nhưng không quá 01 tháng.

- Quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu.

- Quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự.

* Tòa án phải gửi ngay quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự và hồ sơ việc dân sự cho Viện kiểm sát cùng cấp để nghiên cứu. Viện kiểm sát phải nghiên cứu trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ; hết thời hạn này, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ cho Tòa án để mở phiên họp giải quyết việc dân sự.

* Tòa án phải mở phiên họp để giải quyết việc dân sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp.           

Bước 4: Quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự

Tòa án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu. Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.

Trên đây là những hướng dẫn của luật sư Công ty luật Hồng Đăng về trình tự, thủ tục để yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Hy vọng những hướng dẫn này sẽ hữu ích cho quý khách hàng và bạn đọc đang quan tâm đến vấn đề này. Nếu còn vướng mắc vui lòng liên hệ trực tiếp Công ty Luật Hồng Đăng, SĐT: 02466.83.86.98 hoặc 091 339 1998.

CÔNG TY LUẬT HỒNG ĐĂNG