Tôi có ghi âm cuộc trao đổi giữa mình và đối tác làm ăn. Tôi muốn biết theo pháp luật Việt Nam, khi ra Tòa tôi có thể sử dụng cuộc ghi âm này là bằng chứng hay không? Một khách hàng xin được giấu tên hỏi.
Luật sư trả lời:
Theo quy định tại Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì: "Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và Tòa án sử dụng để làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp".
Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về nguồn chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau:
1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;
2. Vật chứng;
3. Lời khai của đương sự;
4. Lời khai của người làm chứng;
5. Kết luận giám định;
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;
8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập;
9. Văn bản công chứng chứng thực;
10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Đối chiếu quy định này có thể thấy băng ghi âm là tài liệu nghe được và được coi là một nguồn chứng cứ. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về xác định chứng cứ thì “Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó”.
Như vậy, đoạn băng ghi âm cuộc trao đổi giữa người hỏi và đối tác làm ăn chỉ được coi là chứng cứ khi người này xuất trình được kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của đoạn băng ghi âm hoặc văn bản về sự việc liên quan đến việc ghi âm. Ví dụ như: Biên bản làm việc về nội dung cụ thể mà cũng được ghi âm trong băng ghi âm có chữ ký đầy đủ của 2 bên; văn bản xác nhận người hỏi và đối tác làm ăn có gặp mặt thời điểm bạn ghi âm; Người hỏi và đối tác có lịch làm việc cùng nhau…; Một điều quan trọng nữa là đối tác của người hỏi phải thừa nhận giọng nói trong đoạn băng ghi âm là của họ hoặc cơ quan giám định có kết luận xác nhận giọng nói trong đoạn băng ghi âm là của đối tác.
Từ phân tích trên có thể thấy, để được Tòa án chấp nhận băng ghi âm của người hỏi là chứng cứ của vụ án thì đoạn băng ghi âm đó phải đáp ứng được các điều kiện trên, nếu không đáp ứng được các điều kiện này, đoạn băng ghi âm do người hỏi ghi lại chỉ được xem là tài liệu có liên quan đến vụ án, có giá trị tham khảo chứ không có giá trị chứng minh trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án.
Trên đây là những tư vấn của luật sư, hy vọng những nội dung trên đem lại hữu ích cho bạn đọc.Nếu còn vướng mắc vui lòng liên hệ trực tiếp Công ty Luật Hồng Đăng để được tư vấn rõ hơn qua SĐT: 02466838698 hoặc 091 339 1998.
CÔNG TY LUẬT HỒNG ĐĂNG