Ai có thể là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn?

Trong Tố tụng Hình sự thì người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, bị can, bị cáo,… đóng một vai trò hết sức quan trọng. Có nhiều người có thể bào chữa, bảo vệ thay cho bạn nhưng chính bạn cũng có thể tự mình làm điều đó.

a) Có thể tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác

Căn cứ vào các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 từ Điều 57 đến Điều 65 như sau:

          - Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt; bị can; bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa;

          - Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; bị hại; nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có thể tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

     Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp do ảnh hưởng bởi tâm lý, hoàn cảnh cũng như kiến thức pháp luật còn hạn chế thì bạn hoàn toàn có thể nhờ người người khác bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

b) Người bào chữa

          Căn cứ theo Khoản 2 Điều 72 thì người bào chữa có thể là:

- Luật sư;

- Người đại diện của người bị buộc tội;

- Bào chữa viên nhân dân;

- Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý;

Trong đó, người đại diện của người bị buộc tội có thể là người từ đủ 18 tuổi trở lên mà không cần bằng cấp về luật.

Bào chữa viên nhân dân theo Khoản 3 Điều 72 “là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình”.

Trợ giúp viên pháp lý là những người được Sở Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề để trợ giúp cho những người thuộc các trường hợp tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

Ngoài ra theo Khoản 4 Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì những người sau không được bào chữa:

- Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;

- Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Đồng thời tại Khoản 5 Điều này cũng quy định: “Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị buộc tội trong cùng vụ án nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị buộc tội.”

c) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự.

          Được quy định tại Điều 83, 84 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 gồm:

- Luật sư;

- Bào chữa viên nhân dân;

- Người đại diện;

- Trợ giúp viên pháp lý.

Như vậy, pháp luật cho phép các cá nhân được tự do lựa chọn người để bào chữa, để bảo vệ quyền và lợi ích liên quan cho mình nhưng với tính chất phức tạp của vụ án hình sự cũng như cần có kiến thức chuyên môn để thu thập tài liệu, chứng cứ, lập luận bào chữa nên cách tốt nhất bạn hãy tìm đến những người có chứng chỉ chuyên môn như Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý.

Trên đây là những hướng dẫn của Luật sư Công ty luật Hồng Đăng về người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong Tố tụng Hình sự. Hy vọng những hướng dẫn này sẽ hữu ích cho quý khách hàng và bạn đọc đang quan tâm đến vấn đề này. Nếu còn vướng mắc vui lòng liên hệ Công ty Luật Hồng Đăng – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, SĐT: 02466838698  hoặc  091 339 1998.