icon

Học thuật

Lộc tồn

Như bài trước ta đã phân ra hai loại Lộc Tồn: Lộc Tồn thuận lý âm dương và Lộc Tồn nghịch lý âm dương. Bài này ta xét sâu hơn về các dạng Lộc Tồn trên và các hệ quả của nó.

Lộc Tồn tuổi giáp tại dần, Đà La tại sửu, Kình Dương tại mão. Khi đó Khôi Việt tại sửu mùi cứu cánh cho hai vị trí Kình Đà. Tại sửu Đà La hội đủ Khôi Việt. Đà La đắc sửu.

Lộc Tồn tuổi ất tại mão, Đà La tại dần, Kình Dương tại thìn. Khi đó Khôi Việt tại Tý và Thân cứu cánh cho hai vị trí Kình Đà. Tại thìn Kình Dương hội đủ Khôi Việt. Kình Dương đắc thìn.

Lộc Tồn tuổi Canh tại thân, Đà La tại mùi, Kình Dương tại dậu. Khi đó Khôi Việt tại sửu mùi cứu cánh cho vị trí Kình Đà. Tại mùi Đà La hội đủ Khôi Việt. Đà La đắc tại mùi.

Lộc Tồn tuổi Tân tại dậu, Đà La tại thân, Kình Dương tại tuất. Khi đó Khôi Việt dần ngọ cứu cánh cho Kình Đà. Tại tuất Kình Dương hội đủ Khôi Việt. Kình Dương đắc tại tuất.

Như vậy, với 4 tuổi Giáp Ất Canh Tân, Kình Đà đều có Khôi Việt cứu giải và tại vị trí đắc địa thì Kình hoặc Đà luôn hội đủ Khôi Việt. Cho thấy, tử vi quan điểm Lộc Tồn thuận lý âm dương thì Kình Đà là vị trí cần cứu giải chứ không phải Lộc Tồn.

Sang đến 6 tuổi còn lại khi Lộc Tồn trái lý âm dương. Đa số các vị trí của Lộc Tồn có Khôi Việt hội chiếu. Như tuổi Mậu Lộc Tồn tị có Thiên Khôi sửu chiếu. Tuổi Bính Lộc Tồn tị có Khôi Việt từ hợi dậu chiếu lên. Tuổi Kỷ Lộc Tồn ngọ có Thiên Khôi ở tý chiếu. Tuổi Nhâm Lộc Tồn hợi có Khôi Việt ở mão tị chiếu về. Như vậy, tử vi quan niệm Lộc Tồn trái lý âm dương là Lộc Tồn yếu cần có Khôi Việt hội chiếu hỗ trợ. Trong khi Kình Đà của 4 tuổi Bính Mậu Nhâm Kỷ không cần có Khôi Việt hỗ trợ.

Riêng hai tuổi Đinh và Quý, tuy Lộc Tồn trái lý âm dương nhưng không được Khôi Việt hội chiếu, mà các vị trí Kình Đà của hai tuổi này được Khôi Việt cứu giải. Điều đó đồng nghĩa với công nhận Lộc Tồn của Đinh Quý là Lộc Tồn không yếu kém. Có thể đây là sai số của tử vi khi cố tình thêm Khôi Việt để cứu giải Kình Đà. Nhưng khả năng đây là sai số bị loại trừ vì ta biết với tuổi Canh thì Khôi Việt trong các môn khác vốn an ở dần ngọ nhưng bị điều chỉnh sang sửu mùi ở tử vi. Mục đích của việc điều chỉnh đương nhiên là để lá số cân bằng hơn. Nói cách khác, vị trí sửu mùi là vị trí cần hỗ trợ của tuổi Canh. Ta biết ở đó có Kình Đà. Vậy thì, nếu Đinh Quý là sai số của Khôi Việt thì tại sao không điều chỉnh như tuổi Canh. Cho nên có khả năng Khôi Việt của Đinh Quý mở ra một tác dụng đặc biệt nữa của Khôi Việt ngoài mục đích hóa giải Kình Đà.

Ta biết Lộc Tồn là cát tinh, như bài trước đã phân tích thì Lộc Tồn bao hàm toàn bộ tứ hóa. Thế nhưng, áp hai bên Lộc Tồn là Kình Đà mang ý nghĩa xấu, thì Lộc Tồn có thể nói chính là bao hàm của cát hóa Khoa Quyền Lộc. Và Kình Đà là hình ảnh của Hóa Kỵ. Khôi Việt xuất hiện để giải cứu các vị trí có Kình Đà. Vậy còn Hóa Kỵ thì Khôi Việt có cứu giải không.

Bắt đầu từ tuổi Đinh, Khôi Việt ở hợi dậu có thể cứu giải cho trường hợp Đồng Cự Kỵ ở sửu mùi trong tình thế Đồng Cự cực hãm. Nếu thay đổi vị trí của Khôi Việt cứu giải Lộc Tồn ở ngọ, thì Khôi Việt không thể cứu giải cho Đồng Cự.

Tuổi Quý, Khôi Việt ở mão tị có thể cứu giải lý tưởng cho Liêm Phá Kỵ và Vũ Phá Kỵ ở tị hợi và mão dậu. Như vậy, nếu nói chính tinh cực hãm hóa Kỵ là không xấu thì không đúng, vì không xấu thì tại sao Khôi Việt phải cứu giải. Mà phải nói là cực xấu như hoàn cảnh một người đã vừa nghèo đói lại còn mắc bệnh nan y. Nhưng nhờ có Khôi Việt quý nhân đến mà ta có thể nói chính tinh cực hãm hóa Kỵ thì cùng tắc biến thành tốt đẹp. Tốt đẹp ở đây do Khôi Việt mang lại, còn cùng cực thì do Hóa Kỵ gây nên.

Đến đây, ta biết được tác dụng đặc biệt của Khôi Việt được an để lập lại cân bằng cho lá số, cụ thể là cứu giải cho Kình Đà và Hóa Kỵ.

Kiểm tra khả năng cứu giải Hóa Kỵ của Khôi Việt cho 8 tuổi còn lại thì thấy:

Tuổi Giáp Nhật Nguyệt Kỵ sửu mùi có Khôi Việt thủ và chiếu.

Tuổi Ất Nguyệt hãm dần thìn ngọ hóa Kỵ có Khôi Việt tý thân chiếu. Ba vị trí hãm này của Nguyệt là cực hãm vì sai cả thời lẫn vị.

Tuổi Bính Liêm Phá hãm mão dậu và Liêm Tham hãm tị hợi có Khôi Việt thủ chiếu hóa giải. Nếu cực đoan, ta có thể kết luận một thủ bằng hai chiếu.

Tuổi Mậu có Thiên Cơ hóa Kỵ. Do đặc điểm Thiên Cơ hãm địa tại dần và hợi đều do ảnh hưởng của Thái Âm hãm địa ở dần và tị mà ra. Nhưng tuổi Mậu Thái Âm luôn hóa Quyền, đi cùng Thiên Cơ thành cách Quyền Kỵ không tồi. Cho nên Khôi Việt sửu mùi được thiết kế để cứu Thiên Cơ đơn thủ ở hợi mà lờ đi Cơ Nguyệt đồng cung ở dần. Có thể nói không phải không có lý.

Tuổi Kỷ Văn Khúc hóa Kỵ. Văn Khúc cực hãm ở dần ngọ, có Khôi Việt ở tý thân chiếu hội cứu giải.

Tuổi Canh Thiên Đồng hóa Kỵ. Tại sửu Đồng Cự cực hãm, nên có Khôi Việt sửu mùi cứu giải.

Tuổi Tân có Văn Xương hóa Kỵ. Xương cực hãm ở dần ngọ, được Khôi Việt đóng tại dần ngọ cứu giải.

Tuổi Nhâm có Vũ Phá cực hãm hóa Kỵ ở tỵ hợi, có Khôi Việt ở mão tỵ cứu giải.

Như vậy 100% các trường hợp chính tinh cực hãm hóa Kỵ được Khôi Việt cứu giải. Trong khi có 80% Kình Đà hoặc Lộc Tồn được Khôi Việt cứu giải. Có thể nói Khôi Việt được thiết kế để giải cứu chính tinh cực hãm hóa Kỵ là tiên quyết, đồng thời cứu cả Kình Đà nhưng là thứ yếu so với Hóa Kỵ.

Nhưng không đơn giản chỉ có vậy. Từ tinh bàn, ta có thể thu được nhiều hệ quả khác. Như có ý kiến cho rằng Kình Đà miếu tứ mộ. Có ý kiến lại cho rằng Đà La miếu tứ sinh. Nay thì ta biết, đó là do Khôi Việt. Khi có Khôi Việt đó là Kình Đà miếu, nhất là trường hợp đồng cung hoặc hội đủ Khôi Việt, mạnh nhất là tọa Khôi hướng Việt hoặc ngược lại tọa Việt hướng Khôi. Còn nếu nói Kình Đà miếu tứ mộ, rồi Đà La miếu tứ sinh thì lúc trúng lúc trật. Đó không phải bản chất.

Hệ quả tiếp theo là Nhật Nguyệt hóa Kỵ sửu mùi. Các sách đều cho rằng Nhật Nguyệt tranh tối tranh sáng. Cần Hóa Kỵ hoặc Triệt để tách ra. Kỳ thực đó không phải bản chất. Bản chất là Khôi Việt. Do đó khi Nhật Nguyệt sửu mùi Hóa Kỵ mà không có Khôi Việt thì ta biết trường hợp đó chẳng thể phản cách. Triệt ngọ mùi chỉ có ở tuổi Ất Canh. Tuổi Canh thì Khôi Việt đóng tại sửu mùi, tuổi Ất thì Khôi Việt tại tí thân không ứng cứu. Nếu so sánh giữa hai tuổi thì tuổi Ất có Khôi Việt và Quyền Kỵ Lộc Tồn thủ chiếu. Tuổi Canh có Khôi Việt Lộc Khoa tại bản cung. Bù lại tuổi Ất tránh được Đà Kình, còn Canh dính phải Kình Đà. Cân nhau chằn chặn.

Hệ quả tiếp theo là tương truyền Hóa Kỵ đắc địa tứ mộ. Có thể suy nghĩ rằng tứ mộ không chứa Lộc Tồn, Khôi Việt cũng không an La Võng. Vậy thì tứ mộ bất lợi cho toàn bộ tứ hóa, riêng Hóa Kỵ có nghĩa xấu cho nên khi bị kìm hãm tại tứ mộ mà thành bớt xấu chăng. Nhưng đến đây, ta có thể chắc chắn hơn với trường hợp Hóa Kỵ tứ mộ có Khôi Việt thủ chiếu, khi đó chắc chắn rất tốt đẹp cho Hóa Kỵ. Cũng chắc chắn hơn với Kình Đà tứ mộ có Khôi Việt thủ chiếu.

Hệ quả tiếp theo là giả thuyết Kình Đà hiệp Kỵ chỉ là bại cục khi không có Khôi Việt. Ở các bài trước khi chưa xét Khôi Việt, ta ngờ bại cục là do chính tinh cực hãm hóa Kỵ. Nhưng ở bài này ta thấy cả hai trường hợp chính tinh cực hãm đó. Vũ Phá hợi tuổi Nhâm, và Liêm Tham tị tuổi Bính đều có Khôi Việt hội chiếu cứu giải. Nếu đã chấp nhận rằng Khôi Việt đặt ra để giải Hóa Kỵ, thì ta công nhận rằng Kình Đà hiệp Kỵ là nói tất cả các trường hợp còn lại không có Khôi Việt hội chiếu.

Hệ quả nữa, là có thể nhận định Kình Đà mà gặp Hóa Kỵ mới đích thị là Kình Đà sát thủ (tất nhiên không có Khôi Việt cứu giải). Về sau ta còn biết thêm chỉ khi Hình Diêu gặp Hóa Kỵ thành cách Hình Kỵ hoặc Diêu Kỵ thì khi đó Hình Diêu mới là Hình Diêu xấu. Quan điểm này trùng với quan điểm của tứ hóa phái khi cho rằng lục sát tinh gặp Hóa Kỵ mới tác họa, còn không thì vẫn chỉ tiềm tàng dưới dạng rủi ro.

Cũng có thể có ý kiến cực đoan hơn cho rằng, Khôi Việt là quý nhân chỉ cứu những cảnh cùng cực chứ không cứu cảnh bình thường. Nói cách khác, Khôi Việt chỉ cứu Hóa Kỵ do chính tinh cực hãm hóa thành, gọi là mạt lộ gặp quý nhân mà phản vi kỳ cách. Chứ Khôi Việt không cứu giải tất cả Hóa Kỵ.

Nhưng dù sao từ nay quý độc giả dùng Khôi Việt, Kình Đà, Hóa Kỵ trong luận giải sẽ tự tin hơn nhiều cảnh mơ mơ hồ hồ trước đây.

Sự ngoại lệ của can Đinh và can Quý tại sao Lộc Tồn trái vị âm dương mà không kém, thì ta biết về sau Quan Phúc sẽ bù trừ cho. Nhưng đó là chuyện dài, vì sau khi đặt Khôi Việt vào lá số, do Khôi Việt đi cứu giải hết thế xấu của Kình Đà Kỵ, tiền nhân đã phải đặt Hỏa Linh để chuyên khắc chế Khôi Việt. Rồi sau khi lỡ tay thả Hỏa Linh vào rồi thì phải đặt ra Quan Phúc để kiềm chế bớt Hỏa Linh. Cứ thế cứ thế cho đến khi sai số nhỏ xuống mức chấp nhận được.

...

Giờ ta biết Khôi Việt có thể trị được Hóa Kỵ. Ta phân tích lại tượng sau khi đã có cơ sở lập tượng. Bắt gặp câu phú:

Việc người xích mích khá không

Tử Vi Khôi Việt ba ông phải tìm

Việc xích mích ở đây ám chỉ Hóa Kỵ. Khôi Việt thì đã rõ có thể trị Khôi Việt nhưng không rõ vì sao có Tử Vi vì câu phú khác nói "Tử Vi cư ngọ vô Hình Kỵ, Giáp Đinh Kỷ vị chí công khanh". Rõ ràng Tử Vi không thích Hóa Kỵ chút nào. Mà chẳng cần câu phú đó, chỉ cần ta biết Tử Vi ưa Lộc Tồn thì đương nhiên không thích Kình Đà Kỵ.

Đi tìm Tử Vi Hóa Kỵ ta thấy Tử Vi chỉ gặp Hóa Kỵ khi Vũ Khúc Hóa Kỵ hoặc Tham Lang Hóa Kỵ, vì đơn giản trong các sao có thể đồng cung hoặc hội chiếu với Tử Vi thì chỉ có hai sao đó có thể Hóa Kỵ. Mà hai sao đó Hóa Kỵ chỉ ở tuổi Nhâm Quý. Khôi Việt của Nhâm Quý đều an ở tị và mão.

Tuổi Nhâm Vũ Khúc Hóa Kỵ nhưng đồng thời Tử Vi Hóa Quyền, khi đó là cách Quyền Kỵ bớt xấu, thậm chí tốt.

Tuổi Quý Tham Lang Hóa Kỵ nhưng luôn có Khôi Việt soi rọi hai cung mão dậu. Trường hợp Tử Tham đối cung ở tý ngọ, thì bạn biết câu phú Tử Vi cư ngọ vô Hình Kỵ, Giáp Đinh Kỷ vị chí công khanh rồi. Vì sao tuổi Quý có Lộc Tồn cư tý chiếu Tử Vi ngọ mà sách không kể. Đó là vì Tham Lang hóa Kỵ đồng cung chiếu lên.

Cho nên "Tử Vi Khôi Việt ba ông phải tìm" có nghĩa là khi Tử Vi gặp Kỵ thì cần có Khôi Việt hóa giải, đồng thời khẳng định ý nghĩa Khôi Việt giải Kỵ.

Nhưng nghĩ cho kỹ Khôi Việt sinh ra để giải Kỵ phải chăng Khôi Việt hợp Kỵ. Nói thế tuy không đúng nhưng cũng không sai, vì nếu không gặp thì làm sao hóa giải. Như Quan Phúc sinh ra để hóa giải Hỏa Linh nếu không gặp Hỏa Linh thì ai trị Hỏa Linh, và Quan Phúc khi đó làm gì. Nếu dụng tượng có thể biết tuy hai ông thầy tu quan phúc bắt bọn ma tà Hỏa Linh nhưng Hỏa Linh cũng là đèn nhang để thầy tu Quan Phúc có thể tu hành.

Hóa Kỵ là cãi vã xích mích. Khôi Việt có tượng là trưởng là đầu. Có thể giải quyết cãi vã thì phải chăng Khôi Việt là tượng trưởng bối đứng ra dàn xếp lũ con nít tranh giành, hay Khôi Việt là công lý có thể giải nỗi oan Hóa Kỵ. Sau này khi bạn biết Quang Quý không ưa gì Hóa Kỵ bạn sẽ hiểu vì sao Khôi Việt phải đi cùng Quang Quý để giải Không Kiếp. Đơn giản vì Quang Quý có thể đặc trị Không Kiếp nhưng phòng ngừa Hóa Kỵ xâm nhập phá tan uy tín của Quang Quý, thì Khôi Việt phải chắp tay đứng đó sẵn sàng quét sạch bụi thị phi cho Quang Quý rảnh tay mà cải hóa Không Kiếp.

Quang Quý Hóa Kỵ là cảnh tai tiếng khi làm ơn. Ý nghĩa rất phong phú còn tùy các cách cục đi kèm. Như làm ơn mắc oán, hay lợi dụng tiền từ thiện để tiêu xài cho riêng mình đều là cảnh này. Ân Quang ban ân vì ân mà nên oán. Thiên Quý được người quý, quý quá mà lại thành thù.

Quay lại cảnh Tử Vi cư ngọ vô Hình Kỵ. Ta có thể hiểu là Thiên Hình và Hóa Kỵ. Nhưng cũng có thể đó là Kình Dương và Đà La vì hóa khí của Kình là Hình mà của Đà là Kỵ. Khi đó hiểu đơn giản là Tử Vi ưa thích Lộc Tồn chứ không thích gặp Kình Đà. Nhưng tại sao phải sợ Hóa Kỵ của tuổi Quý mà không dám nhận Lộc Tồn từ tý chiếu về. Hàm ý sâu xa ở đây là do chính Hóa Kỵ là chất xúc tác để Kình hóa hình và Đà hóa kỵ. Có Hóa Kỵ Kình mới thể hiện tính hình, có Hóa Kỵ Đà mới thể hiện tính kỵ. Ngược lại, có Khôi Việt thì Kình Đà sẽ không hóa hình kỵ nữa.

Hóa khí chẳng qua là cách nói ẩn dụ của tính chất tiềm tàng. Nó có đấy nhưng chưa gặp xúc tác sẽ chưa bộc lộ. Điều này góp phần làm nên sự huyền ảo của tử vi. Phần nào nói lên tính động của dịch lý.

Khôi Việt tượng là đầu. Là đầu nên làm chủ được cái lưỡi Hóa Kỵ mà giải Kỵ. Là đầu nên sợ sét Hỏa Linh đánh, vì sét đánh trúng đầu không ai nói sét đánh trúng cái mông Thai Tọa. Ông tăng Quan Phúc ngồi thiền Thai Tọa trong đèn nhang Hỏa Linh mà thành được việc. Nhưng để sét đánh thì Hỏa Linh Khôi Việt chưa đủ, khi đó bạn mới chỉ mắc bệnh nhức đầu nhức óc. Để thành cách sét đánh phải có Thiên Hình là hình phạt là hành hạ thì mới rõ nghĩa trời phạt. Cho nên sét đánh phải là "Hỏa Linh Hình Việt".

Sau này bạn sẽ biết vì sao phải có Hình mới gây thương tổn đánh đập trừng phạt trực tiếp, phải có Diêu mới mang ý nghĩa lừa đảo dụ dỗ trực tiếp. Không có Hình thì Hỏa Linh Khôi Việt mới là nhức đầu. Không có Diêu thì Kỵ Đà Khôi Việt là ẩn sĩ, thêm văn tinh thì kẻ ẩn sỹ có tài, có tài nhưng vô dụng nên ẩn sĩ. Nhưng họ không lừa ai vì không có Thiên Diêu.

Dù là một sao, nhưng xúc tác cho ý nghĩa quyết định. Đến đây bạn hiểu phép dụng tượng.

...

Có 12 cung. Cho dù nhiều thần sát đến đâu cũng chỉ có 12 cung. Hết chỗ đứng thì phải dẫm lên chân nhau mà đứng. Mà đứng cùng nhau rồi thì bị đối xử không khác gì nhau cả. Cho nên tối đa số thần sát có ý nghĩa chỉ là 12 hoặc 4 hoặc 3 là đủ.

Long Trì Quan Phù đồng cung, Thiên Không Thiếu Dương đồng cung, Tuế Phá Thiên Hư đồng cung là những ví dụ điển hình. Vì cùng là sao chi năm cho nên dù an ra cả vạn thần sát thì cũng chi biểu hiện cho chi năm từ các góc nhìn. Cho nên càng nhiều thì càng rối.

Trở lại bản đồ các sao an theo can năm. Thấy rằng dù an bao nhiêu sao thì cũng chỉ biểu hiện can năm trên 12 cung. Hiện nay đã có các sao:

12 sao vòng Bác Sỹ

2 sao Đường Phù Quốc Ấn

3 sao Lộc Kình Đà

2 sao Khôi Việt

2 cung gặp Triệt

2 sao Quan Phúc

1 sao Lưu Hà

1 sao Lưu Niên Văn Tinh

1 sao Thiên Trù

Tổng cộng đã là 26 sao cho 12 vị trí. Nghĩa là mỗi vị trí trung bình có 2,2 sao. Mỗi cung bị lặp lại hai lần. Số sao dùng để mô tả cung bị thừa đến hơn 2 lần. Điều này nói lên sự rối rắm của tư duy phương Đông. Ví dụ cung sửu của tuổi Giáp hội tụ tất cả Khôi Việt Đà Quan Phúc Lưu Hà Lưu Niên Văn Tinh, tốt xấu lẫn lộn, chỉ biết luận là tốt.

Cho nên cần thiết phải thanh lọc, chỉ để lại những đại diện có ý nghĩa duy nhất không thể thay thế thì khi luận giải mới không bị loạn.

Với vòng Thái Tuế, ta chia được thành 3 loại. Vậy với 10 thiên can có thể làm vậy không.

Con số 12=3X2X2 cho nên có thể phân thành 2 loại, 3 loại, 4 loại, hoặc 6 loại. Nhưng con số 10=2X5 chỉ có thể phân thành 2 loại hoặc 5 loại.

Phân chia thành 5 loại ví dụ:

Giáp Canh có tương quan Khôi Việt và Lộc Tồn giống hệt nhau chỉ khác vị trí, có thể gom cùng 1 loại.

Ất Tân một loại

Mậu Kỷ một loại

Bính Nhâm một loại

Đinh Quý một loại

Nếu phân tiếp thành 2 loại thì:

Giáp Canh Ất Tân Đinh Quý một loại, loại Kình Đà gặp Khôi Việt

Mậu Kỷ Canh Nhâm một loại, loại Lộc Tồn gặp Khôi Việt

Một loại này bao hàm 3 sao Lộc Kình Đà, 12 sao vòng Bác Sỹ, 2 sao Khôi Việt. Như vậy là gom được 17 sao.

Triệt có cách phân bố không phụ thuộc các sao trên. Cho nên nhất thiết phải xét Triệt không thể ngó lơ.