FAM’S NGUYỄN - đơn vị sản xuất và cung cấp trà uy tín số 1

Uống trà - nét văn hóa lâu đời của người Việt

18 Tháng 03, 2021

Thú thưởng trà từ lâu đã trở thành một phần của văn hóa người Việt. Những khi rảnh rỗi, việc được nhấp một ngụm trà sương đăng đắng, nhâm nhi một thanh kẹo mạch nha ngòn ngọt, cùng tri kỷ kể về sự đời có đắng, có cay thì chẳng còn gì tuyệt vời hơn nữa. Dù đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong lịch sử nhưng cho tới nay, thú thưởng trà vẫn chiếm một vị trí rất quan trọng trong văn hóa, cuộc sống của người Việt.

Lịch sử của trà - Từ một cây dại đến thức uống quyền lực nhất thế giới.

Lá trà - hay trà mạn được người Trung Quốc phát hiện và sử dụng từ rất lâu rồi. Tương truyền, từ thời Tam Hoàng - một thời đại rất xa xưa, cách ngày nay khoảng 4700 năm - vua Thần Nông đã tìm ra lá trà khi đang chu du đi thử dược tính của trăm vạn loài cây cỏ. Nhưng nếu không xét về biên giới quốc gia hiện tại thì thực chất, vựa trà đầu tiên của thế giới thuộc về một đất nước đã không còn trên bản đồ thế giới: nước Đại Lý.

Quốc gia nổi tiếng với “Lục mạch thần kiếm” của Đoàn Thị trong tiểu thuyết võ hiệp của cố nhà văn Kim Dung này chính là đất tổ của cây trà. Và cho đến ngày nay, suốt một dải của các tỉnh Vân Nam, Quý Châu của Trung Quốc; Thái Nguyên, Bắc Giang của Việt Nam vẫn có những đồi chè mạn xanh mướt tới tận chân trời như nối dài lịch sử “chinh phục” thế giới của loài cây này.
 


 

Trà chính thức đặt chân ra nước ngoài vào khoảng đời nhà Đường. Vào thời điểm này, Phật giáo chính tông phát triển cực thịnh tại Trung Quốc, những thiền sư Nhật Bản đã tới đây và khi trở về, ngoài những pho kinh Phật, họ còn mang về một loại đạo khác - Trà đạo.

Tới thế kỷ thứ XVI, lá trà bắt đầu cuộc “chinh phạt” Châu Âu của mình. Bồ Đào Nha trở thành quốc gia đầu tiên chịu sự “thống trị” của loại đồ uống này. Chỉ mất một thời gian rất ngắn, toàn châu Âu đã chịu “khuất phục” trước sức cuốn hút của loài cây đến từ Hoa Hạ. Nó cuốn hút đến nỗi, người ta còn đặt ra một thời gian nghỉ để thưởng thức loại đồ uống này, đó chính là tiệc trà.

Tới ngày nay, trà đã trở thành một thức uống quen thuộc của thế giới, tuy nhiên nó cũng có những sự thay đổi nhất định. Trà không còn đơn giản là lá trà của cây chè mạn nữa mà nó chỉ tất cả những loại lá được pha theo phong cách pha trà cổ điển. Trà hoa cúc, trà trầm hương, trà cung đình … chính là những sản phẩm như vậy.

Trà trong văn hóa người Việt.

Là một phần trong cái nôi trà của nhân loại, dân tộc ta cũng đã sử dụng trà làm đồ uống từ rất lâu đời. Cái cốt cách thưởng trà của người Việt không trịnh trượng như người Hoa Hạ, không nhuốm màu tôn giáo như Nhật Bản mà nó nhẹ nhàng, thanh tao và gần gũi hơn. Người Việt thưởng trà không chỉ là cảm cái hương thơm, nhấp cái vị đắng đắng, chát chát nơi đầu lưỡi và ngòn ngọt trong cổ họng mà còn thưởng thức cả cái tài của người hãm trà, cái lễ của kẻ mời trà. Từ cái cách người hãm nước, rót trà, bưng chén, thẩm hương, nhấp vị… khi dùng trà, người xưa cũng đã đánh giá được một phần cốt cách của người đối diện.

Một cái hay nữa của văn hóa trà Việt đó là cùng là việc uống trà nhưng mỗi người lại có một cách pha trà khác nhau, từ đó, tuy cùng một loại trà nhưng qua tay mỗi người lại có một hương vị khác nhau. Điều này tạo nên những cái thú vị riêng trong mỗi ấm trà của từng gia đình người Việt và nó cũng tạo ra nhiều nét đặc sắc trong chính văn hóa thưởng trà dân tộc ta.
 

Không chỉ dừng lại ở việc phục vụ đời sống thường ngày của con người, văn hóa dùng trà còn trở thành một “sự khởi đầu” cho gần như mọi hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội của dân tộc ta. Các cụ ta thường nói “miếng trầu là đầu câu chuyện” nhưng để trước miếng trầu mở đầu đó, gia chủ đã phải pha sẵn một ấm trà thơm mời khách. Trước khi làm đám cưới, gia đình nhà trai cũng phải sắm cơi trầu, bình rượu, túi trà đến để thưa chuyện thông gia với đằng nhà gái; Khởi đầu một lễ hội, thưởng trà luôn là nội dung diễn ra đầu tiên… từ đó ta thấy vị trí của trà trong văn hóa dân tộc Việt.

Suốt dọc dải đất thân thương hình chữ S, đâu đâu trà cũng có mặt và trở thành một loại đồ uống không thể thiếu góp phần tạo nên nét văn hóa ẩm thực cho từng vùng miền. Và nét đẹp văn hóa trà Việt đã tồn tại hàng ngàn năm chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục phát triển và trường tồn cũng người dân Việt.

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN