MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP NÀO?

Miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) là một trong những chế định thể hiện rõ chính sách hình sự nhân đạo cao nhất của Nhà nước ta về xử lý một người có hành vi vi phạm mà BLHS quy định là tội phạm. Có hai trường hợp được miễn TNHS cho người phạm tội đó là đương nhiên được miễn TNHS và có thể được miễn TNHS.

   1. Người phạm tội đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự

   Đương nhiên được miễn TNHS là trường hợp, khi một người có hành vi phạm tội mà có các căn cứ thỏa mãn quy định này thì sẽ được xem xét miễn TNHS mà không cần có bất kỳ một điều kiện nào khác kèm theo. Theo quy định tại Điều 16, khoản 1 Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) và khoản 2 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS), phải miễn TNHS cho người phạm tội khi thuộc các căn cứ sau:

   – Thứ nhất, người phạm tội tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội. Là trường hợp người phạm tội tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng tuy không có gì ngăn cản.

   – Thứ hai, khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

    – Thứ ba, khi có quyết định đại xá.

   – Thứ tư, người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn TNHS (quy định khoản 4 Điều 110 BLHS).

    2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự

   Trường hợp này điều kiện để xem xét miễn TNHS cho người phạm tội khắt khe hơn trường hợp được nêu trên. Ngoài căn cứ được quy định cụ thể trong BLHS thì đòi hỏi phải có sự đánh giá một cách toàn diện tất cả các tình tiết của vụ án của cơ quan, người tiến hành tố tụng về trường hợp nào được miễn, trường hợp nào không được miễn.

   – Thứ nhất, Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Căn cứ này hoàn toàn khác với căn cứ đương nhiên được miễn TNHS như phần trên.

   – Thứ hai, khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.

  – Thứ ba, trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

  – Thứ tư, người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS. Quy định này mở rộng căn cứ để xem xét miễn TNHS cho người phạm tội khi họ thỏa mãn các điều kiện: một là, phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng do vô ý hoặc ít nghiêm trọng; hai là, khách thể bị xâm hại là tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản; ba là, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; bốn là, người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS.

   – Thứ năm, người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại khoản 14, Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 BLHS, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 91 BLHS).

  – Thứ sáu, người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn TNHS (quy định tại khoản 4 Điều 247 BLHS);

   Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn TNHS (quy định tại khoản 7 Điều 364 BLHS);

  Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn TNHS (quy định tại khoản 6 Điều 365 BLHS);

   Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn TNHS (quy định tại khoản 2 Điều 390 BLHS).

   Trên đây là những tư vấn và hướng dẫn của Luật sư Công ty Luật Hồng Đăng về các trường hợp được miễn TNHS cho người phạm tội. Hy vọng những thông tin vừa rồi sẽ hữu ích cho Quý khách hàng và Bạn đọc đang quan tâm đến vấn đề này. Nếu còn vướng mắc vui lòng liên hệ Công ty Luật Hồng Đăng – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, SĐT: 02466 83 86 98 hoặc 091 339 1998.

Tin liên quan