JHL GROUP: NHÀ CUNG ỨNG NHÂN LỰC CHUYÊN NGHIỆP

Hotline: 0868 858 373

Email: ts.jhloutsourcing@jhlgroup.vn

Xu thế thị trường lao động nước ngoài năm 2019

Rộng cửa thị trường châu Âu

Báo cáo của Hiệp hội Xuất khẩu lao động (XKLĐ) cho thấy, trong năm 2018 có 28 thị trường tiếp nhận lao động (LĐ) Việt Nam, trong đó có sáu thị trường tiếp nhận với quy mô từ 1.000 LĐ trở lên, bao gồm thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Romania và Saudi Arabia. Lần đầu tiên có một quốc gia châu Âu nằm trong nhóm tiếp nhận nhiều LĐ Việt Nam.

Ở thị trường châu Âu, ngoài CHLB Đức đang tuyển chọn nhiều nhân lực ngành điều dưỡng từ Việt Nam, mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã ký kết các văn bản ghi nhớ về hợp tác lao động với Romania và Bulgaria trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Đây là hai quốc gia Đông Âu có mối quan hệ thân thiết với Việt Nam và hiện có nhiều chính sách thu hút nhân lực từ Việt Nam.

Bulgaria đang có nhu cầu tiếp nhận nhiều LĐ nước ngoài vào làm việc để bù đắp sự thiếu hụt LĐ trong nước do số lượng lớn LĐ nước này đã di cư sang các nước châu Âu để có thu nhập cao hơn. Bulgaria sẽ tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ Việt Nam sang làm việc trong một số ngành nghề như nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, sản xuất - chế biến, lái xe. Bulgaria cũng mong muốn phía Việt Nam quan tâm công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ, pháp luật và phong tục tập quán, văn hóa của Bulgaria cho NLĐ trước khi sang đây làm việc.

Có nhu cầu tiếp nhận nhiều LĐ nước ngoài, đặc biệt trong một số ngành nghề như: hàn, xây dựng, sản xuất - chế biến các sản phẩm nông nghiệp, Romania đánh giá chất lượng LĐ Việt Nam tốt, thông minh, sáng tạo, cần cù, chịu khó.

“Romania và Bulgaria là thị trường tiềm năng, có nhu cầu tiếp nhận LĐ nước ngoài lớn, các ngành nghề phù hợp NLĐ Việt Nam, chủ sử dụng lao động không đòi hỏi quá cao về kỹ năng nghề trong khi mức lương và thu nhập của NLĐ được bảo đảm. Chúng tôi sẽ nỗ lực để trong tương lai gần đưa nhiều LĐ Việt Nam sang làm việc hợp pháp tại hai quốc gia Đông Âu này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Một điểm nhấn nữa trong hoạt động XKLĐ là dự báo, sang năm 2019, thi trường Nhật Bản vẫn tiếp tục hút LĐ Việt Nam. Đây cũng là thị trường tiếp nhận nhiều LĐ Việt Nam nhất trong nhiều năm qua. Mới đây, Nhật Bản thông qua luật mới liên quan việc tiếp nhận LĐ có trình độ, tay nghề và tiếng Nhật nhất định đến làm việc thời hạn 5 năm, với tên gọi chương trình Kỹ năng đặc định (KNĐĐ).

Hiện LĐ Việt Nam sang Nhật Bản làm việc theo hai chương trình là thực tập sinh kỹ năng (TTSKN) và LĐ bậc cao (kỹ sư). Với chương trình KNĐĐ, trình độ và yêu cầu đối với NLĐ thấp hơn kỹ sư nhưng cao hơn TTSKN, có thể xem là nhân sự trình độ bậc trung. Chương trình mới này được chia thành hai phần là chương trình KNĐĐ số 1 và số 2. Chương trình số 1 cho phép TTSKN đã hoàn thành chương trình ba năm và ứng viên chưa từng sang Nhật Bản nhưng có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn và trình độ tiếng Nhật nhất định. Ứng viên không được phép đưa gia đình sang Nhật. Chương trình số 2 có yêu cầu cao hơn, ứng viên được phép gia hạn visa và đưa gia đình lưu trú dài hạn tại Nhật Bản.

Như vậy, năm 2019 sẽ có ba chương trình làm việc tại Nhật Bản gồm TTSKN, KNĐĐ và kỹ sư. Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai nhận định, luật mới có hiệu lực từ tháng 4-2019 sẽ tác động không nhỏ đến lượng LĐ nước ngoài đến Nhật Bản, trong đó LĐ Việt Nam chiếm ưu thế. Với kết quả ấn tượng của năm 2018, hy vọng số lượng LĐ Việt Nam sang Nhật trong năm 2019 sẽ còn cao hơn.

Sang năm 2019, thị trường Nhật Bản vẫn tiếp tục hút lao động Việt Nam.Ảnh: HẢI ANH

Cần nhiều lao động có trình độ trung và cao

Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH Lê Quang Trung cho biết: Với Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), Việt Nam sẽ chuyển từ thâm dụng LĐ sang thâm dụng về trí tuệ và công nghệ. Đây là tín hiệu mừng khi tại Việt Nam LĐ có trình độ từ đại học (ĐH) trở lên đang có tỷ lệ thất nghiệp không hề nhỏ. “Chất lượng LĐ qua đào tạo tăng, NLĐ đã có thay đổi nhận thức về việc học nghề. Thể hiện rõ nhất là nhiều học sinh tốt nghiệp THPT đăng ký vào trường nghề, nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH quay trở lại học nghề. Điều này cho thấy đào tạo gắn với việc làm là hướng đi đúng”, Phó Cục trưởng Lê Quang Trung nhận định.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Trung cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và thách thức. Đó là chất lượng việc làm còn hạn chế, thể hiện ở năng suất LĐ thấp, tỷ lệ NLĐ làm việc ở khu vực dễ bị tổn thương cao, chuyển dịch cơ cấu LĐ từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ khu vực phi chính thức sang chính thức chậm dẫn đến chậm cải thiện chất lượng việc làm. Nhận thức của một bộ phận người sử dụng LĐ còn chưa coi NLĐ là tài sản đáng quý của doanh nghiệp (DN), chưa coi trọng yếu tố đầu vào.

Để cải thiện tình hình, một trong những hướng cần ưu tiên là tạo điều kiện để thu hút nhiều NLĐ vào DN làm việc, nâng cao chất lượng việc làm. Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách về LĐ, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội. Đồng thời hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường LĐ, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo cung - cầu LĐ làm cơ sở định hướng nghề nghiệp, giúp NLĐ chọn nghề để học, chọn việc để làm phù hợp nhu cầu của thị trường và xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ, nhất là nhóm LĐ yếu thế nhằm phát huy tối đa năng lực của họ. Đặc biệt, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn chính sách, tư vấn giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu LĐ. Qua đó giúp NLĐ chọn được công việc phù hợp năng lực, DN tuyển dụng được người phù hợp yêu cầu, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Phản hồi về việc, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về LĐ có chuyên môn cao, ông Lê Quang Trung cho biết: Với cuộc CMCN 4.0, Việt Nam sẽ thay đổi từ thâm dụng LĐ sang thâm dụng về trí tuệ và công nghệ. Điều này đồng nghĩa CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi hoàn toàn cơ chế LĐ, tính chất công việc… ở một số lĩnh vực. Thậm chí, với CMCN 4.0, NLĐ còn có thể tự tạo việc làm và khởi sự DN. Tính chất việc làm cũng thay đổi từ hàm lượng chất lượng thấp sang chất lượng cao.

Về xu thế này, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động chính vào thị trường lao động trong nước và có các giải pháp. Để chủ động cho thị trường việc làm thời kỳ CMCN 4.0 thì từng ngành phải nghiên cứu, dự báo nhân lực. Thứ nữa, là khẩn trương tổ chức các phương án đào tạo về chuyên môn, công nghệ, kỹ năng mềm và những nhu cầu cần thiết cho NLĐ. Song song với đó là xây dựng các biện pháp, cơ chế, chính sách để hỗ trợ NLĐ trong hội nhập. Đồng thời phải tính trước những giải pháp đối với NLĐ bị mất việc làm do ảnh hưởng của CMCN 4.0, trong đó có chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Đối với NLĐ, trong bối cảnh CMCN 4.0 cần nhận thức rõ xu hướng thị trường LĐ, tận dụng năng lực bản thân, tham gia vào đào tạo về chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng mềm và pháp luật để thực hiện tốt hơn công việc. Về phía DN, cần quan tâm đến đào tạo cho NLĐ; phối hợp với cơ sở dạy nghề theo phương châm ba cùng: Cùng tuyển sinh, cùng đào tạo và cùng giải quyết việc làm cho NLĐ.

Trả lời câu hỏi về diễn biến thị trường LĐ năm 2019, ông Quang Trung kỳ vọng sẽ tiếp tục theo hướng tích cực, cung - cầu gặp nhau ở mức hợp lý. Nhu cầu sử dụng LĐ của DN tăng, nhất là LĐ trình độ cao và trung. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, chúng ta phải đẩy mạnh phối kết hợp, nâng cao chất lượng nhân lực, tăng cường công tác đào tạo. Tại các địa phương, các ngành cần có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng LĐ; cộng với dự báo thông tin thị trường LĐ, cũng như thực hiện tốt hơn chính sách bảo hiểm thất nghiệp.“Chúng ta sẽ có những dự án, trong đó đưa ra biện pháp sử dụng một cách tốt nhất những LĐ là hộ nghèo, bộ đội, người cao tuổi, người trung tuổi...”, ông Trung thông tin thêm.

Nguồn: Báo Nhân dân

Đối tác tập đoàn

0868 858 373