FAM’S NGUYỄN - đơn vị sản xuất và cung cấp trà uy tín số 1

Sự khác nhau giữa trà Việt và trà Trung Quốc

04 Tháng 03, 2021

 

Việt Nam và Trung Hoa là 2 cái nôi của trà cũng như nghệ thuật uống trà thế giới. Khởi nguồn từ 2 nền văn hóa này, trà vươn mình ra toàn cầu, “chinh phục” mọi dân tộc và biến mình thành món đồ uống có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới.  Tuy nhiên, cùng là lá trà giống nhau nhưng do 2 nền văn hóa khác nhau sử dụng cho nên trà Việt Nam cũng có rất nhiều điểm khác so với trà Trung Hoa. Chính những sự khác biệt này giúp cho những dân sành trà dễ dàng phân biệt được nguồn gốc xuất xứ của trà và cũng là cách để mỗi đất nước quảng bá thương hiệu của riêng mình.

Chúng ta hãy bỏ qua sự khác nhau về hương vị do chịu tác động của thổ nhưỡng, thời tiết… tại mỗi đất nước. Sự khác nhau được đem ra so sánh và đánh giá trong bài này nằm ở cách thức sản xuất trà, cách thưởng trà cũng như văn hóa trà trong mỗi dân tộc. Đây là những tiêu chí cốt lõi để tạo ra một văn hóa trà - hay là đạo trà - cho một đất nước, một quốc gia.

Phương thức đánh giá

Người Việt khi đánh giá một loại trà có ngon hay không đầu tiên dựa vào màu - vị - hương - hậu vị. Màu tức là màu của búp trà khô cũng như màu của nước trà, trà ngon sẽ có búp khô nhưng săn chắc, đầu cong như móc câu, vẫn giữ được một chút màu xanh rất đặc trưng. Nước trà ngon là nước trà phải đảm bao tiêu chí trong, xanh - vàng, tươi sáng và sánh đặc.

Vị là cái hương vị khi nước trà chảy vào miệng. Đó là vị chát của trà và độ đặng nhặng của nó. Trà ngon thường có ít vị đắng, vị chát sẽ là vị chủ đạo, vị chát tồn tại càng lâu thì trà sẽ càng có giá trị lớn.

Về hương trà, mỗi loại trà sẽ có một hương vị đặc trưng nhưng có một điều đặc biệt đó là trà hảo hạng thường thoang thoảng mùi cốm mới. Hậu vị là khi vị chát chuyển dần sang vị ngọt dịu và man mác, nếu vị chát càng tồn tại lâu thì cái vị ngọt dịu của hậu vị sẽ lưu lại càng dài.

Đối với người Trung Hoa, trà là một loại hình văn hóa để biểu thị sự tôn trọng và lễ nghĩa giữa người với người. Do đó, người Trung Hoa khi thưởng trà đầu tiên sẽ ưu tiên đánh giá về hương trà rồi mới đến vị và hậu vị, bởi người Trung Hoa thường uống trà trong một cái tách lớn. Khi đó, lá trà sẽ được cho trực tiếp vào cái tách đó, người sử dụng khó có thể xác định được cái màu của nước trà.

Hương của trà Trung Quốc rất đặc trưng bởi mỗi một loại trà chỉ được thu hoạch vào một mùa nhất định. Chính vì thế, mỗi khi thưởng trà, dù ở bất kỳ thời gian nào, hương vị của trà cũng sẽ không thay đổi. Đây chính là cái tỉ mỉ và tinh tế của người Tàu khi uống trà.

Còn vị thì cũng tương tự như cách đánh giá của người Việt ta. Một tách trà ngon là tách trà lưu giữ được vị chát lâu dài và cái hậu vị ngọt ngào, thanh thoát. Tuy nhiên, do cái “hương” đã đạt tới đỉnh cao nên cái “vị” của trà Trung Quốc sẽ kém hơn một chút so với trà Việt.

Phương thức chế biến

Đối với người nước ngoài, có một cách nhận biết giữa trà Trung Hoa và trà Việt Nam dễ nhất đó là dựa vào cách thức chế biến trà. 

Người Việt Nam rất giỏi trong cách ướp trà, do đó, các sản phẩm trà của người Việt thường gây rất nhiều bất ngờ đối với người nước ngoài. Những gói trà ướp hương sen thơm nức mũi, ướp hương hoa Nhài thoang thoảng sự thanh tao hay trà ướp hương Ngâu đậm đà… luôn là những loại trà đặc trưng của đất Việt. 

Đối với người Trung Hoa, họ yêu thích sự thuần khiết và tinh tế. Do đó, hương trà của họ chỉ thay đổi nếu như họ … đổi chủng loại trà khác nhau. Như đã nói ở trên, mỗi loại trà của người Hoa chỉ có một hương vị đặc trưng nhất định bởi mỗi một thời điểm trong năm họ chỉ thu hoạch một loại trà. Sự riêng biệt này của trà Trung Hoa tạo ra một nét rất riêng trong văn hóa uống trà của họ.

Khi thưởng trà, người Trung Hoa thường sử dụng tách lớn và mỗi người dùng một tách. Họ chế nước sôi chỉ khoảng hơn 80 độ và thời gian ngấm của trà thường khá ngắn sau đó sử dụng luôn. Chính vì lẽ đó, hương thơm của trà thường được đẩy lên tới đỉnh điểm, tỏa ra rất nồng nàn, vị của trà tuy cũng đậm đà nhưng không được sắc và sâu như trà Việt.

Ngược lại, trà Việt được hãm trong ấm trà, trước khi pha trà ấm cũng được tráng qua nước sôi để nhiệt độ hãm trà cao nhất. Khi chế nước vào ấm, nước được đổ tràn ra ngoài vừa để loại bỏ bụi trà, vừa để ấm và nắp ấm “dính ướt” với nhau, điều này sẽ làm cho ấm trà nóng nhất có thể. Do đó, hương trà và vị trà được hòa tan tối đa trong nước trà đầu - đây cũng là nước trà ngon nhất, đậm nhất, sánh nhất trong cả bữa tiệc trà. Tuy nhiên, do phương pháp ướp trà đặc sắc nên các nước trà sau, trà việt chỉ giảm một chút về độ đặc nhưng hương trà vẫn rất đậm và thơm.

FAM’S NGUYỄN - Nhà sản xuất và phân phối trà sạch trên toàn quốc

Văn phòng: Số 46, D6 Khu DT GLEXIM , Lê Trọng Tấn, Hà Đông, TP. Hà Nội

NMSX: Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội

Hotline: 0968 055 188 

Email:famsnguyen88@gmail.com

Website:  www.trafamsnguyen.vn

 

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN