HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT ĐIỀU TRA VÀ KIỂM SÁT XÉT XỬ SƠ THẨM ÁN MA TÚY NĂM 2018

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT ĐIỀU TRA VÀ KIỂM SÁT XÉT XỬ SƠ THẨM ÁN MA TÚY NĂM 2018

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 20/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân và Kế hoạch công tác trọng tâm của VKSND tối cao năm 2018; nhằm thực hiện tốt phương châm: "Đoàn kết, đi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Chất lượng, hiệu quả"; phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm. VKSND tối cao (Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án ma túy - Vụ 4) xây dựng hướng dẫn công tác Thực hành quyền công tố, Kiểm sát điều tra và Kiểm sát xét xử sơ thẩm án ma túy năm 2018 (THQCT, KSĐT và KSXXST), như sau:

1. Về triển khai, quán triệt thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết và xây dựng luật

- Tiếp tục tổ chức nghiên cứu và quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về những nội dung liên quan đến công tác THQCT, KSĐT và KSXXST các vụ án hình sự về ma túy1; phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác được giao và đạt chỉ tiêu giải quyết án ma túy nằm trong chỉ tiêu chung mà Quốc hội đã giao cho ngành Kiểm sát nhân dân2; hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành KSND và các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao có liên quan đến giải quyết án hình sự nói chung3, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng là hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp4.

- Bố trí, sắp xếp cử Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, tham gia đầy đủ, đúng thành phần các Hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và phổ biến nội dung các đạo luật mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 và các văn bản khác có liên quan đến công tác THQCT, KSĐT và KSXXST các vụ án hình sự về tội phạm ma túy.

- Kịp thời báo cáo, phản ánh những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn công tác THQCT, KSHĐTP trong lĩnh vực giải quyết các vụ án ma túy và đề xuất các giải pháp tháo gỡ với VKSND cấp trên.

2. Về công tác Thực hành quyền công tố, Kiểm sát hoạt động tư pháp

2.1. Trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Viện kiểm sát các cấp phải tuân thủ thực hiện đúng những quy định trong Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Thông tư liên tịch của liên ngành Trung ương hướng dẫn về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (TG, TBVTP và KNKT), trong đó cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:

- Phân công trách nhiệm cụ thể cho 01 lãnh đạo đơn vị phụ trách và Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ này; công chức được phân công phải thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục từ tiếp nhận, cập nhật vào sổ theo dõi thụ lý, đến việc phân loại xử lý, xây dựng và quản lý hồ sơ; xây dựng báo cáo và đề xuất hướng xử lý đối với vụ việc theo quy định.

- Để nắm chắc và đầy đủ thông tin tố giác về tội phạm cần chấp hành nghiêm túc chế độ trực nghiệp vụ, việc tiếp công dân; quy định về việc bố trí đặt hòm thư tiếp nhận TG, TBVTP; xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với Cơ quan điều tra (CQĐT), các cơ quan hữu quan cùng cấp và thường xuyên theo dõi nắm bắt các thông tin về tội phạm ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như mạng xã hội trên Intremet.

- Khi có những vụ việc phức tạp, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cần nhanh chóng nắm thông tin đồng thời xây dựng báo cáo ban đầu gửi VKS cấp trên theo đúng thời gian quy định về chế độ thông tin báo cáo và quản lý công tác trong ngành KSND ban hành kèm theo Quyết định số 279/QĐ-VKSTC ngày 01/8/2017 của VKSND tối cao (gọi tắt là Quy định 279). Nội dung báo cáo phải nêu được đầy đủ sự việc diễn ra (thời gian, địa điểm, ch thể thực hiện bắt giữ), đối tượng có hành vi phạm tội (họ tên, năm sinh, HKTT), vật chứng thu giữ (tên loại ma túy, khối lượng), các biện pháp mà cơ quan chức năng đã tiến hành; những khó khăn vướng mắc và nội dung đề xuất, đề nghị VKS cấp trên hướng dẫn, hoặc xin ý kiến chỉ đạo.

- Địa phương nào chưa xây dựng và ký kết được Quy chế phối hợp liên ngành trong việc tiếp nhận, giải quyết TG, TBVTP và KNKT nói chung và tội phạm về ma túy nói riêng thì cần báo cáo và tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp để thực hiện; đối với các địa phương đã thực hiện thì cần rà soát, đối chiếu nội dung với các quy định mới trong BLTTHS năm 2015 để điều chỉnh cho phù hợp.

- Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được lãnh đạo phân công thụ lý kiểm sát việc giải quyết TG, TBVTP và KNKT cần phải phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên, Cán bộ điều tra trong việc xác minh, thu thập chứng cứ; nghiên cứu hồ sơ ban hành văn bản yêu cầu xác minh và thực hiện đôn đốc giải quyết; mọi TG, TBVTP và KNKT phải được giải quyết kịp thời đúng thời hạn, nếu có căn cứ cần phải kéo dài thời hạn giải quyết thì theo đề nghị của CQĐT, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện ra Quyết định gia hạn thời hạn xác minh; trường hợp đã hết thời hạn giải quyết nhưng chưa thể ra Quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, CQĐT ra Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết thì phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ ra quyết định, khi căn cứ tạm đình chỉ không còn phải yêu cầu CQĐT phục hồi ngay việc giải quyết theo quy định.

- Đối với các TG, TBVTP và KNKT thuộc các trường hợp VKS trực tiếp giải quyết phải phân công Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm giải quyết. Kiểm sát viên được phân công phải lập kế hoạch xác minh và đề xuất hướng giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

- Khi xây dựng Kế hoạch công tác năm 2018, các đơn vị bắt buộc phải xây dựng kế hoạch kiểm sát trực tiếp việc giải quyết TG, TBVTP và KNKT đối với CQĐT cùng cấp hoặc cấp dưới. Phấn đấu mỗi đơn vị phải thực hiện được ít nhất 01 cuộc kiểm sát trực tiếp đối với CQĐT cùng cấp và 01 cuộc kiểm tra đơn vị VKSND cấp dưới về công tác này. Sau khi kiểm sát, kiểm tra phải ban hành được kết luận đánh giá những ưu điểm và những khuyết điểm, tồn tại, nếu có vi phạm thì ban hành kiến nghị hoặc kháng nghị yêu cầu đơn vị hoặc cá nhân có vi phạm thực hiện khắc phục hoặc hủy bỏ các quyết định trái pháp luật. (Lưu ý: các đơn vị khi ban hành kết luận, kiến nghị hoặc kháng nghị cần gửi về VKSND tối cao (Vụ 4) trong thời gian sớm nhất để theo dõi và tổng hợp phục vụ xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết hoặc báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao tại các kỳ họp Quốc hội)

2.2. Trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can

Kiểm sát chặt chỗ việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can của CQĐT, cần chú ý một số nội dung sau:

- Kiểm sát chặt chẽ việc lập biên bản thu giữ, niêm phong và mở niêm phong đối với vật chứng thu giữ nghi là ma túy trong các trường hợp bắt giữ, khám xét, cần xác định khối lượng, trích mẫu để thực hiện trưng cầu giám định; kiểm sát chặt chẽ nội dung quyết định trưng cầu giám định của CQĐT và kết luận giám định của Cơ quan chuyên môn trong các vụ án liên quan đến ma túy, tập trung vào việc xác định loại và khối lượng ma túy như Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định; lưu ý thận trọng khi xem xét phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can trong các vụ án khám phá bằng biện pháp truy xét, không thu giữ được vật chứng là ma túy, chỉ có lời khai nhận của các đối tượng trong vụ án.

- Kể từ thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành, yêu cầu các VKSND địa phương nghiên cứu kỹ các điểm mới trong chương tội phạm về ma túy và bám sát nội dung hướng dẫn thực hiện trong Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 để triển khai thực hiện. Cần phải xử lý nghiêm tội phạm về ma túy, đối với các trường hợp mua bán, sử dụng các chất như chất ma túy nhưng khi giám định không phải chất nằm trong danh mục các chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy thì phải yêu cầu CQĐT củng cố chặt chẽ hồ sơ, làm rõ ý thức chủ quan của người có hành vi vi phạm để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

- Khi nhận được Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Kiểm sát viên phải nghiên cứu hồ sơ, xem xét tài liệu chứng cứ để đề xuất người có thẩm quyền quyết định phê chuẩn hay không phê chuẩn, hoặc cần phải yêu cầu CQĐT bổ sung thêm tài liệu chứng cứ. Kiên quyết không phê chuẩn khi không có đủ căn cứ. Trong các trường hợp người bị khởi tố bị can không thừa nhận hành vi phạm tội, kêu oan thì Kiểm sát viên phải trực tiếp vào hỏi để làm rõ các nội dung trong hồ sơ, đánh giá các tài liệu chứng cứ trước khi đề xuất lãnh đạo ra Quyết định.

- Phối hợp chặt chẽ với CQĐT cùng cấp để xác định đúng thẩm quyền điều tra, nếu thấy vụ án đang điều tra không thuộc thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, thì phải yêu cầu CQĐT cùng cấp làm các thủ tục chuyển vụ án đến đúng CQĐT có thẩm quyền điều tra; nếu VKS đã yêu cầu mà CQĐT không thực hiện thì VKS ra quyết định chuyển vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 169 BLTTHS năm 2015; không để VKS ra Quyết định chuyển vụ án hình sự để truy tố theo thẩm quyền khi vụ án đã kết thúc điều tra.

2.3. Trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam

Viện kiểm sát các cấp cần phải thực hiện nghiêm các quy định của BLTTHS năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 để kiểm sát chặt chẽ các căn cứ, điều kiện, thời hạn trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn là bắt, tạm giữ, tạm giam của CQĐT; khắc phục tình trạng lạm dụng việc bắt, giữ, nhất là trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Trong đó cần thực hiện các nội dung sau:

- Khi phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, bắt bị can để tạm giam và tạm giam bị can phải kiểm sát chặt chẽ về các căn cứ, áp dụng đúng các quy định của BLTTHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn đang có hiệu lực thi hành. Trường hợp trong hồ sơ đề nghị phê chuẩn chưa đủ tài liệu, chứng cứ để thực hiện phê chuẩn thì phải yêu cầu CQĐT kịp thời bổ sung. Nếu đã yêu cầu mà CQĐT vẫn không cung cấp đủ chứng cứ thì kiên quyết không phê chuẩn, đồng thời yêu cầu trả tự do ngay cho người bị bắt, tạm giữ. Lưu ý về đặc thù của loại tội phạm về ma túy, khi bắt người có hành vi phạm tội quả tang thường có mặt những người có liên quan như: lái xe, người thân hoặc bạn bè của đối tượng phạm tội đi cùng có mặt tại thời điểm bắt giữ; khi gặp trường hợp này, VKS phải yêu cầu CQĐT tập trung khẩn trương xác minh làm rõ mối quan hệ giữa các đối tượng, về nhân thân, về ý thức chủ quan và các hành vi liên quan đến tội phạm về ma túy,... để phân loại xử lý kịp thời nhằm giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ bắt giữ hình sự nhưng sau đó phải xử lý hành chính hoặc phải trả tự do vì không có hành vi phạm tội xảy ra.

- Phấn đấu các trường hợp do VKS phê chuẩn lệnh tạm giam, bắt bị can để tạm giam phải đảm bảo đầy đủ chứng cứ buộc tội, các điều kiện cần và đủ để tạm giam, không để trường hợp VKS đã phê chuẩn nhưng sau phải đình chỉ điều tra vì không chứng minh được hành vi phạm tội hoặc Tòa án tuyên không phạm tội.

2.4. Trong giai đoạn điều tra, truy tố các vụ án hình sự về ma túy

- Thực hiện vào sổ thụ lý theo dõi đầy đủ, kịp thời các vụ án đã khởi tố điều tra; phân công Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ THQCT, KSĐT đối với vụ án và Kiểm tra viên giúp việc. Kiểm sát viên được phân công phải bám sát và kiểm sát chặt chẽ quá trình điều tra thu thập chứng cứ của Điều tra viên, Cán bộ điều tra để áp dụng linh hoạt các biện pháp kiểm sát, mọi hoạt động điều tra thu thập chứng cứ phải được kiểm sát chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục quy định của tố tụng hình sự. Thực hiện nghiêm túc quy định trong quy chế nghiệp vụ, ngay sau khi có quyết định phân công, Kiểm sát viên được phân công thụ lý phải nghiên cứu hồ sơ đề ra yêu cầu điều tra đối với vụ án, gửi cho CQĐT để thực hiện và trong quá trình điều tra phải bám sát tiến độ điều tra vụ án, yêu cầu Điều tra viên thực hiện các nội dung trong yêu cầu điều tra; nếu trong quá trình kiểm sát phát hiện những vấn đề mới cần phải làm rõ hoặc những nội dung trong yêu cầu điều tra chưa được thực hiện thì tiếp tục ban hành yêu cầu điều tra bổ sung, nhắc lại những yêu cầu chưa được thực hiện và đôn đốc Điều tra viên thực hiện. Tất cả vụ án đều phải ban hành yêu cầu điều tra, đây là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện.

- Kiểm sát chặt chẽ hoạt động thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, biên bản về hoạt động điều tra của CQĐT; Chú ý các quy định mới trong BLTTHS năm 2015, Kiểm sát viên phải tham gia đầy đủ các hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám xét, hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra của Điều tra viên; tuân thủ quy định về việc giao nhận hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, biên bản hoạt động điều tra giữa CQĐT và VKSND, thực hiện đóng dấu bút lục và sao lưu tài liệu phục vụ xây dựng hồ sơ kiểm sát theo đúng quy định. Chấp hành nghiêm chỉnh việc sắp xếp hồ sơ kiểm sát án hình sự theo quy định về lập hồ sơ kiểm sát của VKSND tối cao.

- Kiểm sát viên phải tham gia trực tiếp kiểm sát việc hỏi cung của Điều tra viên, ít nhất một lần trên một bị can. Đối với những bị can có đơn khiếu nại, kêu oan hoặc tố cáo việc Điều tra viên thiếu khách quan trong hoạt động điều tra thu thập chứng cứ hoặc bị can có lúc nhận tội, có lúc không nhận tội thì Kiểm sát viên phải trực tiếp lấy lời khai bị can để làm rõ nội dung và đề xuất biện pháp giải quyết kịp thời, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội; kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo các quyền của bị can trong tố tụng hình sự như việc được giải thích quyền và nghĩa vụ, quyền được thuê hoặc chỉ định luật sư bào chữa, quyền im lặng,...

- Đối với những vụ án lớn, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều bị can, liên quan đến nhiều địa bàn khác nhau thì Lãnh đạo đơn vị cần phải quan tâm chỉ đạo sát sao, định kỳ yêu cầu Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thụ lý vụ án tổng hợp báo cáo kết quả KSĐT để nắm chắc tiến độ giải quyết, từ đó có định hướng, chỉ đạo giải quyết tiếp.

- Việc xin gia hạn thời hạn điều tra vụ án, gia hạn tạm giam phải được kiểm sát chặt chẽ về điều kiện, thẩm quyền và tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định của BLTTHS. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, VKSND tối cao quyết định gia hạn điều tra lần thứ ba5 và gia hạn tạm giam lần thứ ba6; VKS có vụ án, bị can xin gia hạn phải gửi văn bản đề nghị và hồ sơ vụ án đến VKSND tối cao (Vụ 4), chậm nhất 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, hết thời hạn tạm giam.

- Các VKSND địa phương cần nghiên cứu kỹ nội dung văn bản hướng dẫn của VKSND tối cao về chuyên đề "Nâng cao chất lượng công tác THQCT, KSĐT các vụ án hình sự nhằm hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng", vận dụng linh hoạt các giải pháp được đưa ra với điều kiện thực tế của đơn vị mình để thực hiện có hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; phấn đấu không để hồ sơ bị trả điều tra bổ sung vì lý do thiếu chứng cứ hoặc vi phạm tố tụng. Các đơn vị tiếp tục thực hiện chuyên đề về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, theo dõi, quản lý chặt chẽ, tổng hợp số liệu, định kỳ báo cáo gửi về VKSND tối cao (Vụ 4) đúng thời hạn quy định. Chú ý khi xây dựng báo cáo phải nêu và phân tích cụ thể các lý do trả hồ sơ để điều tra bổ sung, chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cơ quan tiến hành tố tụng.

- Tiến hành kiểm sát chặt chẽ các quyết định tố tụng của CQĐT như: Quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can; Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can,...; kịp thời phát hiện những vi phạm (nếu có), để ban hành quyết định yêu cầu CQĐT thay đổi hoặc hủy bỏ. Riêng đối với án tạm đình chỉ điều tra, năm 2017 Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 02/10/2017 về tăng cường trách nhiệm của VKSND trong việc theo dõi, quản lý, giải quyết các vụ án hình sự tạm đình chỉ, trong khi chờ xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn của liên ngành Trung ương yêu cầu các đơn vị VKSND địa phương quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và Chỉ thị, quy chế nghiệp vụ, quy định của ngành KSND liên quan đến việc theo dõi, quản lý, giải quyết án tạm đình chỉ tại VKS cấp mình; xác định việc theo dõi, quản lý, giải quyết án tạm đình chỉ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác THQCT và KSHĐTP trong lĩnh vực hình sự. Giao một đơn vị, bộ phận công tác chủ trì, đề xuất việc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cùng cấp, chỉ đạo VKSND cấp dưới định kỳ (6 tháng, 1 năm) tổ chức rà soát, phân loại án tạm đình chỉ thuộc trách nhiệm của đơn vị, VKS cấp mình theo dõi, quản lý để thống nhất về số liệu, xây dựng báo cáo tổng hợp, thống kê. Căn cứ kết quả rà soát, phân loại án tạm đình chỉ, VKS các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cùng cấp thống nhất hình thức, biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời án tạm đình chỉ theo đúng quy định của pháp luật và tùy từng trường hợp cụ thể xử lý như sau:

+ Đối với các trường hợp chưa hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xác định rõ nguyên nhân tạm đình chỉ và khẩn trương áp dụng các biện pháp khắc phục lý do tạm đình chỉ để phục hồi, giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật;

+ Đối với trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc do thay đổi quy định của pháp luật mà hành vi phạm tội không bị coi là tội phạm nữa, phải kịp thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cùng cấp ra quyết định đình chỉ hoặc tự mình ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật;

+ Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, không thống nhất được quan điểm giải quyết giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cùng cấp thì VKS chủ trì, báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Chú ý: Báo cáo công tác định kỳ của VKS các cấp phải có nội dung phân tích chi tiết về số liệu thống kê, phân loại và xử lý, giải quyết án tạm đình chỉ thuộc trách nhiệm của đơn vị, VKS cấp mình. Chỉ đạo các đơn vị, bộ phận THQCT, KSĐT, KSXX các vụ án hình sự có trách nhiệm lập, xây dựng hồ sơ án tạm đình chỉ theo đúng quy định về việc lập hồ sơ kiểm sát của Ngành. Tiến hành kiểm tra đối với cấp dưới về việc thực hiện Chỉ thị của VKSND tối cao, đồng thời tổng hợp các khó khăn vướng mắc gửi về VKSND tối cao (Vụ 4) để xây dựng báo cáo chung trong toàn Ngành.

- Khi vụ án kết thúc điều tra đề nghị truy tố, Kiểm sát viên tiếp tục nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, thực hiện trích cứu hồ sơ, xây dựng báo cáo tổng hợp, đánh giá phân tích các chứng cứ buộc tội, gỡ tội; tiến hành phúc cung, nhất là các trường hợp bị can không nhận tội, thay đổi lời khai hoặc lời khai vẫn còn có mâu thuẫn mà chưa được làm rõ, tạo điều kiện để luật sư (nếu có) tham gia cùng khi tiến hành hỏi cung; tổng hợp xây dựng báo cáo đề xuất, dự thảo cáo trạng truy tố; việc truy tố phải bảo đảm đúng người, đúng tội và đúng trình tự thủ tục quy định của pháp luật.

- Viện kiểm sát các cấp chủ động tổ chức nghiên cứu xây dựng báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 06 ngày 02/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm của VKSND trong việc theo dõi, quản lý và giải quyết các vụ án hình sự tạm đình chỉ và gửi về VKSND tối cao (Vụ 4) trước ngày 31/10/2018.

2.5. Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự về ma túy

- Thực hiện đầy đủ các quy định về quy trình thủ tục và kỹ năng nghiệp vụ trong công tác THQCT, KSXXST vụ án hình sự đối với các tội phạm về ma túy, chủ động trong xét hỏi và tranh luận với luật sư, bị cáo nhằm bảo vệ quan điểm đã truy tố trong cáo trạng.

- Chấp hành nghiêm túc về thẩm quyền THQCT, KSXXST các vụ án về ma túy theo quy định của pháp luật và quy chế nghiệp vụ của ngành. Đối với những vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, đông bị can, dư luận quan tâm, VKSND cấp trên thụ lý THQCT và KSĐT thì chậm nhất là 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, VKS cấp trên phải có văn bản thông báo cho VKS cấp có thẩm quyền THQCT và KSXXST để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ; VKS cấp dưới kịp thời cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu vụ án VKS cấp trên thụ lý THQCT và KSĐT để chủ động trong công tác khi được VKS cấp trên yêu cầu. Kiểm sát viên được phân công phải chủ động phối hợp chặt chẽ với Kiểm sát viên đang THQCT và KSĐT để nghiên cứu hồ sơ, cùng đánh giá chứng cứ sử dụng để buộc tội và những chứng cứ gỡ tội, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong hồ sơ để yêu cầu CQĐT bổ sung, khắc phục.

- Viện kiểm sát nhân dân các địa phương tổ chức việc tập hợp những khó khăn, vướng mắc và những đề xuất, kiến nghị khi được VKSND tối cao (Vụ 4) phân công thụ lý THQCT và KSXXST những vụ án về ma túy để xây dựng báo cáo và gửi về VKSND tối cao (Vụ 4) trước ngày 30/7/2018.

- Thông qua công tác THQCT và KSHĐTP trong việc giải quyết án ma túy, VKSND các cấp kịp thời phát hiện những vi phạm, thiếu sót trong hoạt động điều tra, xét xử, bào chữa, phiên dịch, giám định tư pháp, xác minh thu giữ và xử lý tiền, tài sản do phạm tội mà có,... để ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục. Đồng thời, chú ý phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước để kịp thời ban hành kiến nghị xử lý và phòng ngừa vi phạm.

2.6. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp

- Tiến hành phân loại các đơn được gửi đến để tiến hành giải quyết theo đúng trình tự, thời hạn quy định. Đối với những đơn không thuộc thẩm quyền phải kịp thời chuyển đến các Cơ quan đang thụ lý hồ sơ để giải quyết. Những đơn, thư khiếu nại liên quan đến việc giám định hàm lượng, về chất ma túy, về sử dụng các biện pháp nghiệp vụ khác,... thì phải nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật liên quan; trường hợp cần thiết phải có văn bản tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn trước khi trả lời.

- Đối với nhưng đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Thư ký thì phải kiểm tra, xem xét thận trọng, khách quan; nếu có dấu hiệu của tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì phải chuyển đến CQĐT của VKSND tối cao để xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

- Với những thông tin liên quan đến tội phạm ma túy thuộc địa bàn được nêu trên phương tiện thông tin đại chúng, phải khẩn trương xác minh, nếu có dấu hiệu của tội phạm phải có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền. Với các thông tin được nêu tại điểm báo của VKS cấp trên phải tổ chức kiểm tra nghiên cứu hồ sơ cụ thể và kịp thời có văn bản báo cáo kết quả giải quyết cho VKS cấp trên theo đúng quy định.

2.7. Công tác phối hợp trong giải quyết án ma túy

- Các VKS địa phương cần xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng cùng cấp trong giải quyết án ma túy; nếu có điều kiện thì xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng để thực hiện.

3. Công tác tương trợ tư pháp

- Đối với những vụ án về ma túy khi xác định có yếu tố nước ngoài, phải kịp thời yêu cầu CQĐT thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Những trường hợp cần tương trợ tư pháp phải có văn bản gửi Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13), VKSND tối cao để thực hiện đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ án ma túy mà đơn vị đang thụ lý.

- Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về tương trợ tư pháp, kịp thời có các văn bản báo cáo và đề nghị VKSND tối cao (Vụ 13) thực hiện các nội dung về tương trợ tư pháp để giải quyết vụ án được đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

- Viện KSND các địa phương có đường biên giới phải chủ động phối hợp với Cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp và Cơ quan có thẩm quyền (Cơ quan ngoại vụ) của địa phương để có các hình thức, biện pháp trao đổi thông tin và tương trợ giúp đỡ khi xử lý các tội phạm về ma túy theo đúng quy định.

4. Công tác kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới

- Căn cứ Chỉ thị công tác số 01/CT-VKSTC ngày 20/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao và hướng dẫn công tác này, VKSND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương mình như đội ngũ công chức, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, cơ sở vật chất phục vụ công tác, diễn biến của tội phạm ma túy trong các năm qua để xây dựng chương trình và hướng dẫn công tác năm 2018 cho các VKSND cấp dưới phù hợp.

- Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc báo cáo các vụ việc theo quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 19 (nếu có), Điều 20 của Quy chế số 279 và những vụ, việc khó khăn, phức tạp để VKSND cấp trên giải quyết các vụ án về ma túy đúng quy định pháp luật. Đối với những vụ, việc đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm và các trường hợp cần thiết thì VKSND cấp trên phải cử Kiểm sát viên hoặc lãnh đạo đơn vị trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo tại VKSND địa phương.

- Định kỳ hoặc đột xuất thực hiện kiểm tra công tác nghiệp vụ đối với VKSND cấp dưới để kịp thời phát hiện và khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong công tác THQCT, KSĐT và KSXXST các vụ án hình sự về ma túy; chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung kiểm tra công tác đối với VKSND cấp dưới ngay từ đầu năm.

- Phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn công tác nghiệp vụ đối với các VKSND cấp dưới theo từng địa bàn cụ thể; để việc theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn có hiệu quả, chất lượng thì cần gắn trách nhiệm của cá nhân với kết quả công tác THQCT, KSĐT và KSXXST các vụ án về ma túy của địa phương được phân công theo dõi, đồng thời lấy kết quả đó để đánh giá thành tích cá nhân và bình xét thi đua khen thưởng hàng năm.

5. Chấp hành chế độ báo cáo

- Viện KSND các cấp thực hiện nghiêm túc việc gửi các loại báo cáo định kỳ và các loại báo cáo khác theo đúng quy định tại các Điều 7, 8, 10, 11, 12, 13, 14, 17, 18, 19, 20 của Quy chế số 279; các báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu của VKSND cấp trên. Khi xây dựng báo cáo phải thống kê đầy đủ số liệu, nêu đầy đủ thông tin cần thiết theo yêu cầu.

- Đối với báo cáo thỉnh thị xin ý kiến VKSND tối cao, các VKSND địa phương phải gửi kèm theo hồ sơ chính và hồ sơ kiểm sát của vụ án (lưu ý không được gửi kèm theo vật chứng là ma túy cùng với hồ sơ); nội dung của báo cáo thỉnh thị cần phải thể hiện được nội dung, diễn biến của vụ án, các quan điểm giải quyết và những nội dung cần xin ý kiến chỉ đạo.

6. Các nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện trong năm 2018

Các VKSND địa phương phối hợp với Vụ 4 để nghiên cứu, thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:

- Thực hiện nghiêm túc Kết luận số 95-KL/TW ngày 02/4/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, trọng tâm là đợt phát động tháng hành động cao điểm phòng, chống ma túy hàng năm. Tích cực đẩy mạnh phối hợp liên ngành nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình Quốc gia về phòng, chống và kiểm soát ma túy.

- Theo dõi, quản lý, thu thập số liệu phục vụ chuyên đề án tạm đình chỉ; định kỳ tổng hợp báo cáo để phục vụ việc xây dựng các báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao tại các kỳ họp Quốc hội và công tác sơ kết, tổng kết của Ngành.

- Theo dõi, quản lý, thu thập số liệu xây dựng báo cáo chuyên đề về án trả hồ sơ để điều tra bổ sung vào các thời điểm sơ kết, tổng kết và phục vụ báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao tại các kỳ họp Quốc hội (lưu ý giải trình, thuyết minh số liệu khi có yêu cầu); phân tích rõ nguyên nhân các trường hợp Tòa án trả hồ sơ yêu cầu khởi tố tội phạm, người phạm tội mới.

- Phối hợp cung cấp số liệu xây dựng chuyên đề "Thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động xác minh thu giữ tiền, tài sản do phạm tội mà có trong các vụ án ma túy. Kiến nghị và giải pháp thực thi có hiệu quả" và chuyên đề "Kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội trong các vụ án liên quan đến ma túy được đấu tranh khám phá bằng biện pháp truy xét".

Trong quá trình thực hiện hướng dẫn này, nếu có gì khó khăn vướng mắc hoặc đề xuất gì, đề nghị VKS các cấp kịp thời phản ảnh về VKSND tối cao (Vụ 4) để xử lý.

Vụ trưởng Vụ 4 giao cho Phòng Tham mưu tổng hợp (Phòng 1) có nhiệm vụ giúp Vụ trưởng theo dõi, tập hợp tình hình, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện hướng dẫn này.

Trên đây là hướng dẫn một số nội dung cơ bản của công tác THQCT, KSĐT và KSXXST án hình sự về ma túy năm 2018: trên cơ sở hướng dẫn này và kế hoạch công tác của đơn vị đề nghị VKSND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch công tác THQCT, KSĐT và KSXXST án hình sự về ma túy của đơn vị mình và kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ cho VKSND cấp huyện triển khai thực hiện xong trước ngày 20/01/2018. Kế hoạch và hướng dẫn công tác được gửi về Vụ 4 để tổng hợp theo dõi và quản lý chung trong toàn ngành./.